Thứ Hai, 29 tháng 1, 2007

Sau một lời nguyền

truyện ký
Văn Quốc Thanh


Hai đứa trẻ hì hục lần từng tảng đá trên bãi biển Ông Đụng bắt ốc vú nàng. Thằng anh độ mười bốn, đứa em nhỏ hơn hai tuổi. Ánh nắng ban mai dìu dịu rọi xuống cây ngô đồng vào tiết tháng Sáu ở miền hải đảo làm tôi cảm thấy dễ chịu sau những ngày oi bức ở miệt đồng bằng Nam bộ. Thanh và tôi chọn một chỗ ngồi khá thú vị, nếu vị trí nầy giành cho những đôi tình nhân thì còn gì bằng .
Biết tôi đang chăm chú nhìn mình, Thanh tỏ vẻ thẹn thùng rồi mơ màn nhìn về phía biển vờ quát bọn trẻ đừng đùa nghịch quá trớn mơ màngcó thể bị vỏ hàu cắt đứt tay chân. Bỗng tiếng “úi da” vang lên, thằng em chau mày ngồi khóc, thằng anh lính quýnh dỗ dành. Thanh bỏ tôi ngồi lại một mình vội chạy về ghềnh đá. Như một phản xạ tự nhiên tôi cũng lao về phía ấy. Vết cắt của mảnh hàu không sâu nhưng đủ làm bọn trẻ chùng lại trước trò nghịch ngợm và cuộc chuyện trò của chúng tôi cũng bị gián đoạn.
Bọn trẻ bị cuốn hút trước vẻ dẹp hoang sơ của thiên nhiên đã quên lời mẹ dặn, không còn bị ám ảnh bởi những mảnh hàu bén ngót nằm trơ ra bên thềm đá, tiếp tục cuộc vui đùa. Chúng tôi không quay lại chỗ cũ mà cùng đi dọc theo bờ biển dưới bóng những cây trâm rừng nghiêng che mát rượi.
-Thanh chỉ có hai cháu đó thôi ư?-Tôi hỏi.
Thanh sửa lại vành nón, lặng lẽ nhìn về phía biển xa xăm hồi tưởng lại cái chết thương tâm của đứa con trai ngày nào:
- Chúng tôi có cả thảy 3 con, nhưng đã bỏ một ở trong đất liền. Ngày ấy, hay tin bố chồng hấp hối bọn em bằng mọi cách phải về cho kịp nên quá giang một chiếc thuyền câu nhỏ vào đất liền. Khi thọ tang xong, thì đứa nhỏ bị chói nước ói mửa, lên cơn sốt rồi chuyển qua viêm phổi cấp tính. Trong lúc hai vợ chồng bối rối, gởi thằng anh cho người nhà trông hộ, nhưng gia đình sơ ý để thằng nhỏ đói bụng, ra bờ sông gọi người nhà lấy cơm ăn nhưng không may bị té sông ngạt nước chết mà chẳng ai hay. Anh thấy đó, quanh năm ở giữa biển mênh mông không sao chỉ một sơ hở nhỏ trên đất liền mà nhận lấy cái chết mới tức chứ! ”.
Thấy Thanh rút khăn chặm những giọt lệ lăn dài trên má, tôi hối hận bởi vô tình khơi lại những vết thương lòng nên lảng sang chuyện Khác:
-Thì ra cô không phải là dân ở đảo nầy?
-Đảo nầy là dân tứ xứ.Thịnh nhất là sau ngày giải phóng- Thanh trả lời.
Sóng vẫn rì rào. Thanh vẫn thì thầm bên tôi những tháng năm gian khổ của ngày đầu đến đây lập nghiệp.

oOo


Chiều hôm ấy, Đồng đang cặm cụi cầm cây giũa cà mạnh vào đầu hai thanh sắt thật sạch, anh tin rằng khi đặt khít nhau chỉ cần chạm nhẹ que hàn thì chúng sẽ dính chặt. Với động tác tưởng chừng đơn giản nầy nhưng ít có người thành công bởi sẽ gặp sự cố mối hàn bị nứt do thiếu kinh nghiệm.
Những giọt mồ hôi nhễ nhại được nung bởi cái nóng hầm hập bên ngoài thi nhau nhỏ xuống, anh với tay định lấy chiếc áo thun cũ ra lau thì có một bàn tay dịu dàng đặt lên vai, nói khẽ:“ dừng tay một chút đi anh”. Thanh âu yếm nhìn chồng, đưa bịch nước mía rồi mở giỏ lấy khăn chặm sạch những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhem nhuốc vết bẩn. Hút một hơi dài bịch nước mía cạn sạch, anh tinh nghịch xé toạc miệng bao ni-lon, móc cục nước đá bỏ vào cổ áo vợ. Thanh nũng nịu giãy đành đạch, nghiêng người bắt đền chồng. “chụt” một nụ hôn trao vội ẩn chứa bao niềm yêu thương trìu mến rồi cùng chồng thu dọn đồ nghề dồn vào một góc. Những chiếc khung cửa sắt hàn chưa xong, nhiều hoa văn còn dang dở, có chú chim ráp thiếu chân, cụt đầu đứng chông chênh dưới cành trúc. Có những cành hoa mai thiếu cánh. Không bao lâu họ đèo nhau trên chiếc xe cà tàng đạp miết về hướng Nhà văn hóa thanh niên Cần Thơ rồi dừng lại trước bảng thông báo vận động thanh niên tình nguyện xây dựng Côn Đảo, thời hạn 3 năm do Ban tổ chức chính quyền thành phố Cần Thơ phát động.
Đọc xong bảng thông báo, Đồng lên xe trở lại tiệm hàn, Thanh cũng quay về việc làm thường ngày của mình ở xí nghiệp đóng tàu Hậu Giang. Nhưng sau lần ấy đầu óc họ như rối tung lên. Thời gian cận kề quá họ phải dứt khoát chọn lựa đi hay ở? Không ai nói với nhau nửa lời, dường như mỗi người có những suy nghĩ riêng. Cứ thế không khí trong gia đình trở nên buồn tẻ. Câu chuyện của người sinh viên ở tù kể về Côn Đảo ngày nào đã cuốn hút, Thanh nguyện thế nào cũng phải đi một chuyến cho biết. Hằng đêm nằm gối đầu trên cánh tay chồng, Thanh cũng thỏ thẻ bên tai người bạn đời những ước muốn của mình nơi vùng biển trời mênh mông đầy lãng mạn. Mặc dù cuộc sống hiện thời có vất vả nhưng không đến nỗi khó Khăn. Biết thay đổi một hoàn cảnh sống đã khó nhưng thay đổi một cuộc sống lại càng khó hơn. Mỗi đêm một ít những lời nói ngọt ngào của Thanh như những giọt mật ngọt chảy vào tận tâm can chồng và con tim của người thợ hàn như bị nung chảy trước ngọn lửa khao khát cháy bỏng đầy thi vị của vợ. Anh đành nhượng bộ và giao hẹn với Thanh chỉ đi trong vòng ba năm, xong hợp đồng tình nguyện thì quay về. Được sự tán thành của chồng Thanh mừng như phát điên lên. Nàng quàng tay ghì chặt đầu chồng vào ngực. Trong khoảnh khắc tấm drap trải giường trắng tinh trên mặt nệm nhàu bấy. Họ nhìn nhau tình tứ dù không nói ra nhưng Đồng cũng hiểu mình sắp được …sự đền đáp của vợ.
Tiếng gọi ơi ới của anh em trong đoàn sáng tác văn học Vĩnh Long cùng cơn đói cồn cào làm hai đứa trẻ không còn thích thú nô đùa trên bãi biển. Triền cát bãi Ông Đụng nắng đã đậm màu. Những hạt cát li ti lấp lánh dưới ánh mặt trời. Dăm ba chiếc vỏ ốc xà cừ ửng lên màu huyền hoặc. Chúng tôi đi về hướng bếp ăn tập thể của những người lính đảo. Thanh hẹn tôi chiều nay sẽ kể tiếp.

oOo

Tháng sáu. Nắng ngã về chiều. Những tiếng ve rừng ngân nga trong tàn cây rậm. Tôi đi bên Thanh và theo sau là hai chúc nhóc. Có lẽ bọn chúng cũng chán phè phải đi theo mấy người lớn quá ư nhiều chuyện. Chúng xin phép được tự do ra triền cát bắt dã tràng và chơi trò móc cát xây nhà.
-Ở đảo lan rừng nhiều lắm, anh Văn thích loại nào? -Thanh hỏi tôi.
-Lan nào tôi cũng thích nhưng lúc nầy tôi thích nhất là lan …thang cùng người đẹp đi trong rừng.
Cầm tờ tạp chí Côn Đảo Ngày Nay cuộn tròn trên tay, Thanh quất vào vai tôi:“Anh giỏi có ga-lăng và nịnh đầm. Hay bọn mình vào rừng tìm lan đi anh!”.
Tôi áy náy:
-Bỏ tụi nhỏ, không sợ bọn trẻ xuống nước tắm, à?
-Sau cái chết tức tưởi của thằng anh, cha nó huấn luyện con bơi giỏi lắm bây giờ khỏi phải lo chúng té nước đâu. -Thanh trả lời.
Tôi quay lại triền cát dặn hai đứa nhỏ đừng xuống biển nguy hiểm. Bọn trẻ tinh nghịch giễu:
-Con giao mẹ cho chú , nếu mất mẹ Ba con uýnh chú chết à.
Thanh nhìn tôi cười ngượng và nhanh trí lý giải cho bọn trẻ hiểu rằng cuộc chuyện trò nầy nhằm giúp tôi tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những người ngày đầu đến đây lập nghiệp.
Trên con đường mòn dẫn vào rừng những chùm hoa trâm ổi tỏa hương thơm dìu dịu. Mùa nầy dâu rừng chín rộ. Tôi bẻ một cành cây khô định hái nhưng Thanh kịp ngăn lại:“Anh không đọc bảng cấm ngoài đầu dốc vào rừng, sao?”. Bị người đẹp nhắc nhỡ tôi vứt nhánh cây vào bụi rậm, đứng nhìn những chùm dâu chín vàng đu đưa trên cành mà không giấu nổi vẻ thèm thuồng, tiếc rẻ:
-Mình không hái thì trái chín rụng cũng bỏ thôi.
-Anh lầm. Những thứ đó là thức ăn chính của chim, thú trong rừng.
Thanh cho tôi biết đây là khu rừng cấm quốc gia, không ai được quyền đốn cây hoặc săn bắt thú rừng. Côn Đảo có nhiều chủng loại động thực vật quí hiếm. Có nhiều cây cỏ và động vật ở đây có nhưng trong đất liền không có. Dường như Côn Đảo là nơi tập hợp các loài động và thực vật vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở Việt Nam. Thanh rất thích lan rừng tuy màu sắc không hấp dẫn nhưng mùi hương thì không thể chê vào đâu được, chỉ có những người sành và tinh tế nhất mới thưởng thức hết hương vị lan rừng. Và phượng nữa. Mùa hè ở đảo rực lên một màu phượng đỏ. Phượng nghiêng mình soi bóng bên bờ biển chạy dài từ cầu tàu 914 đến cuối bãi Lò Vôi. Phượng tỏa bóng mát che du khách đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Tôi nhắc lại chuyện cũ - Thời tôi ra đảo lần đầu và được cô thuyết minh của khu bảo tàng di tích lịch sử Côn Đảo tặng một cây phượng nhỏ, tôi nâng niu mang về Vĩnh Long trồng đến nay nó đã vương cao khỏi sân thượng trụ sở Hội. Mỗi năm nhìn màu phượng thắm như gợi cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp Côn Đảo.
Thanh có vẻ tiếc nuối:
-Ừ,thời gian trôi nhanh quá anh nhỉ. Mới đó mà đã 6 năm rồi.
Câu nói của Thanh làm tôi nhớ lại cũng chính trên bờ biển nầy ngày xưa, bọn tôi ra đây tắm, thế mà bây giờ kẻ còn, người mất. Có người vì cuộc mưu sinh phải bỏ xứ ra đi. Có người đã vĩnh viễn giã từ cuộc sống.
Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Thanh hỏi tôi: “khi sáng em kể cho anh nghe đến đâu rồi?”.
-Đến chỗ hai ông bà đắn đo nên đi hay ở.- Tôi trả lời.
-Anh biết không, lúc mới đăng ký em quyết liệt lắm, nhưng khi về nhà thu xếp đồ đạc thì thấy cái gì cũng gắn liền với mình biết bao Kỷ niệm. Biết mang thứ nào theo đây. Nhưng nghĩ lại mình chỉ đi 3 năm thôi có gì đâu mà nghĩ ngợi lung tung. Ai ngờ gần 20 năm rồi mà vợ chồng em không rứt ra khỏi đảo. Đi nhớ, ở thương. Đảo là vậy đó anh!
Hôm ấy, vợ chồng em ẵm con nhỏ xuống Long Phú để lên tàu. Đúng ra tàu rời bến vào lúc 4 giờ chiều, nhưng gạo nhà máy xay chưa xong bọn em đành nán lại thêm một ngày nữa. Lần đầu đoạn tuyệt tổ ấm gia đình buồn vô kể, hai vợ chồng thay phiên nhau ẵm con suốt đêm, nhìn con ngủ vật vưởng trên tay mà chạnh lòng. Nhưng trong gian khổ khó khăn mới giàu nghị lực, mới thấy được thế nào là tình chồng nghĩa vợ. Ngày trước, em tỏ ra cương quyết bao nhiêu thì bấy giờ lại mềm yếu bấy nhiêu. Thấy em lo âu nghĩ ngợi ảnh pha trò động viên em:“Ráng một hai ngày nữa là tới đảo. Anh tình nguyện làm tù nhân cho mẹ con em giam cầm, tha hồ có người phục dịch”. Thường ngày anh ít nói, chưa bao giờ em thấy ảnh đùa cợt một câu rất có duyên và đúng lúc như vậy nên dù mệt nhưng em cũng không nhịn được cười.
Xuống tàu, khi mọi người ổn định xong chỗ ngồi, tàu đi được vài hải lý thì dông gió nổi lên. Mây đen ùn ùn kéo đến. Bầu trời nhuộm một màu u buồn thê lương ảm đạm. Mặt biển sóng tung bọt trắng xóa. Hễ nhìn thấy những lượn sóng từ xa tràn đến thì trên khuôn mặt mọi người như thể cắt không còn một giọt máu. Cứ mỗi lượn sóng ập đến thì con tàu tròng trành như muốn chìm và bị hút xuống sâu thăm thẳm rồi sau đó lại hất tung lên cao chót vót thấy chóng mặt phát khiếp. Phụ nữ và trẻ em bắt đầu ói mửa. Em khấn nguyện sao cho mau tới đảo, chắc ở lại luôn chứ không dám lên tàu lần thứ hai để quay về. Ai ngờ câu nói ấy như một lời nguyền đến bây giờ trở thành cư dân của Đảo.
Thế là sau một ngày một đêm vật lộn cùng sóng to gió lớn tàu mới cập bến cầu tàu 914. Ai nấy cũng phờ phạc. Nhưng một niềm an ủi lớn là được chính quyền và nhân dân Đảo ra đón tiếp nồng nhiệt, dù bụng đói cồn cào và cái lạnh như cắt da thịt dưới trời mưa tầm tả nhưng cũng thấy ấm lòng. Bà con xứ Đảo người thì phụ chuyền đồ đạc, kẻ khác dìu em và ẵm giúp cháu nhỏ lên bờ, tấm lòng của họ như anh em ruột thịt đi xa mới về.
Sau ba ngày ổn định xong nơi ăn chốn ơ, đoàn thanh niên tình nguyện xây dựng Côn Đảo được đưa đi tham quan các thắng cảnh, khu di tích lịch sử và trại giam ở đảo.
Nhớ lại, lúc ban đầu muốn cho du khách biết về Đảo thì người thuyết minh biết gì nói nấy. Đồng chí B-vừa là phó ban quản lý khu di tích kiêm luôn cả việc thuyết minh, hễ nghe người cựu tù nào đến thăm kể lại cảnh lao tù là vội ghi ghi chép chép. Cứ thế mỗi ngày trong sổ tay của họ dày thêm những trang sử vẻ vang và những tấm gương anh hùng liệt sĩ thà chịu cực hình, một lòng một dạ theo Đảng chứ không tỏ Ra run sợ hèn nhát trước những nhục hình tra tấn của kẻ thù. Cũng từ những việc làm nầy mà bảo tàng lịch sử Côn Đảo đã trả lại giá trị chân thật của một số chứng cứ lịch sử bị hiểu sai lệch. Ví dụ năm1987 chị Thiều Thị Tân (một cựu tù từ tuổi 15) cùng một nhóm sinh viên trí thức giỏi tiếng Pháp vào Trung tâm lưu trữ tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ra bài thơ “Đập đá Côn Lôn” của cụ Phan Chu Trinh sáng tác trong Banh I chứ không phải ở ngoài trời lúc đập đá mà xưa nay nhiều người lầm tưởng.(?)
Thanh say sưa kể về nghề nghiệp của mình nào cùng với đồng nghiệp dự nhiều khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ, được ban lãnh đạo tạo điều kiện tiếp cận nhân chứng sống lịch sử, tổng hợp lại các tài liệu và hệ thống bài thuyết minh cho hoàn chỉnh, có tính lôgíc.
Tôi ngắt một bông mua rừng trao Thanh, ai dè ẩn dưới chiếc lá là một chú sâu róm đen sì ngọ nguậy. Thanh hốt hoảng giậm chân thình thịch, rảy lia lịa. Vô tình chú sâu bắn vào cổ áo. Tôi cứ để nguyên con sâu đu đưa trên ve áo mình. Thanh áy náy muốn khều ra nhưng tôi không cho và nói:“ Biết đâu mai nầy nó cũng là một “cư dân” của Vĩnh Long. Cô cứ xem lời nói của tôi giống như một lời nguyền của cô ngày xưa vậy”.
Biết tôi trêu. Thanh lặng im. Để phá tan bầu không khí tôi bèn lên tiếng:
-Thanh vẫn chọn thuyết minh là nghề chính của mình chứ?
Không trả lời thẳng câu hỏi, Thanh lảng sang chuyện khác:
-Nếu đoàn sáng tác của các anh còn ở lại đây lâu, em thay mặt chồng mời anh đến nhà dùng một bữa cơm thân mật.
Không riêng gì Thanh hầu hết người dân ở đây rất mến khách. Ngày đầu tiên nghe tin đoàn Vĩnh Long ra, một cựu thuyết minh viên( người tặng tôi cây phượng năm xưa) cùng chồng gọi điện thoại mời tôi đến nhà dùng bữa cơm thân mật, vợ chồng anh chị trách tôi tệ quá ghé Đảo mà không đến thăm họ. Tôi biết nói gì hơn với cái tính xềnh xoàng hay vô tình của mình. Thôi, tạm mượn ly rượu để thay lời tạ lỗi vậy.
oOo

Góc phố Thanh ở có lẽ sạch và đẹp hơn nhiều so với nơi gia đình tôi đang sinh sống. Tuy là trung tâm thị xã của một tỉnh đồng bằng Nam bộ chứ mỗi lần đến mùa nước ngập thì cả con hẻm tôi rác rưởi nổi lềnh bềnh, xông lên một mùi tanh nồng khó chịu. Còn nơi đây, đường tráng nhựa láng nhẵn. Hai bên rực lên một màu phượng thắm, ẩn dưới sắc đỏ ấy là những quán giải khát đèn màu cùng những dàn âm thanh hiện đại, nhưng đèn vừa đủ sáng, âm thanh vừa đủ nghe, không mờ mờ ảo ảo và ồn ào đinh tai nhức óc như thường ngày tôi phải hứng chịu.
Không biết vợ chồng Thanh chuẩn bị từ Lúc nào, trong phòng ăn một mâm cơm dọn sẵn, toàn đặc sản của biển. Đồng nâng luy rượu đưa về phía tôi và nói:“Rượu nầy là đặc sản của đảo, màu hồng bầm là rể cây thiên niên kiện ngâm với hải mã phơi khô đó nghe. Hễ uống một ly thì vợ đi kiện ngàn năn vì…” Đồng chưa nói hết câu liếc thấy vợ lườm mình nên đánh ực một cái trắng đít ly. Anh gắp bỏ vào chén tôi miếng mực xào củ hành tây thơm lựng rồi khoác tay:“Dùng tự nhiên đi! Đừng có khách sáo”.
Rượu vào, lời ra. Anh say sưa kể cho tôi nghe chỗ nầy ngày xưa hoang vu lắm, toàn lau sậy mọc um tùm. Vợ chồng anh được nhà nước cấp cho hơn một trăm mét vuông đất, anh em bộ đội dùng xe GMC chở xà bần đến lấp không lấy một xu tiền công, nhà nước hóa giá tôn và xi-măng rẻ rề để cất nhà, bạn bè cho mượn vô thời hạn hai cây vàng ròng làm vốn. Sáng, vợ dậy sớm nhóm lửa nấu bún riêu. Lúc đầu khách chê dở, góp ý riết thành ngon. Bán bún xong, vợ đến cơ quan làm việc, trống chỗ tôi bày đồ ra hàn, dần dà trả hết nợ. Cần mẫn lắm mới có được như ngày nay.
Tôi chen vào:
-Hai ông bà hạnh phúc quá! Có một cơ ngơi như thế nầy dù có mơ tôi cũng không bao giờ với tới.
Nghe lời khen bùi tai. Cao hứng. Đồng nâng ly rượu nheo mắt về phía vợ:
-Vô đi em! Chúng mình cạn ly với bạn hiền, nào.
Mặt tôi bắt đầu phừng phừng muốn đứng lên từ chối, nhưng thấy Đồng nhiệt tình quá cũng liều với anh cạn sạch chai rượu. Trong men say Đồng đề nghị hai vợ chồng cùng ca vọng cổ để tặng bạn. Tôi ngạc nhiên vì hôm qua, Thanh là một thuyết minh viên hướng dẫn khách tham quan thao thao bất tuyệt với mọi người, còn bữa nay, chỉ tủm tỉm nhường chồng cười cười nói nói thật vui nhộn.
Dường như Thanh muốn dành trọn niềm vui nầy cho chồng sau những tháng năm dài đồng cam cộng khổ. Đâu ngờ tính hiếu kỳ và câu nói vô tình trên tàu ngày xưa như một lời nguyền để bây giờ kéo theo chồng con gắn chặt cuộc sống với Côn Đảo.
VQT

Không có nhận xét nào: