Thứ Hai, 29 tháng 1, 2007

Phạm Tiến Duật giới thiệu tác phẩm "Ngôi mộ không hài cốt" của VQT

Đền ơn đáp nghĩa bằng tác phẩm văn học nghệ thuật.
Phạm Tiến Duật

Trên số Xuân Nhâm Ngọ năm 2002, tạp chí Văn Nghệ Cửu Long có đăng bút ký Ngôi mộ không hài cốt của tác giả Văn Quốc Thanh. Đây là một trong những tác phẩm được hoàn thành tại Trại sáng tác của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2001. Việc tìm mộ liệt sĩ và viết về các bà mẹ liệt sĩ có rất nhiều chuyện cảm động. Riêng câu chuyện nầy lại do chính người em viết về anh trai mình, mẹ mình, gia đình mình nên tính chân thực và sự trân trọng đối với liệt sĩ lại càng nâng cao. Chỉ có một tình tiết có thể gây nhiều tranh cãi là tình tiết con cái dối mẹ, rằng đã tìm được hài cốt của anh trai mà thực ra là không thấy. Không những thế, để mẹ tin., con cái lại đốt võ qủa dừa và cành cây khô để giả làm hài cốt. Chỉ vì mẹ già quá rồi. Có thể người đã khuất vì yêu thương mẹ cũng có thể thông cảm với cử chỉ của mấy người em. Nói dối cũng có năm bảy đường nói dối. Đến thăm gia đình bạn không báo trước, thấy nhà bạn nghèo quá, bạn hỏi ăn cơm chưa, bụng đói mà phải nói dối là ăn cơm rồi. Nói dối như thế là vì thương người, yêu người khác hẳn thứ dối trá, lừa đảo của phường ích kỷ. Trong bút ký nói trên, gọi là dối mẹ thôi chứ con cái không dối được. Bằng linh cảm, cụ biết hết. “Mẹ phải dối lòng tin như thật để làm vui lòng con cháu. Mẹ không giận chúng mà giận mình không đủ sức khoẻ và không nhiều thời gian trên cõi đời này để tìm kiếm con”. Đọc câu ấy ở đoạn cuối bút ký tôi cảm động và thấy người mẹ Việt Nam của chúng ta lớn lao biết nhường nào. Thế là chúng ta lại có thêm một tác phẩm nữa ca ngợi nggười mẹ liệt sĩ. Tác phẩm này chưa thể gọi là toàn bích. Nhưng thời gian trôi đi không chờ đợi ai, nếu cầu toàn quá sẽ bỏ phí biết bao tư liệu quí giá. Tôi nghĩ, phải có nhiều cây bút như Văn Quốc Thanh, đã ghi chép thật nhiều các câu chuyện, các tình tiết phong phú còn nằm trong ký ức của biết bao người.


Chúng ta đã có hằng trăm tác phẩm âm nhạc, có hàng trăm bộ phim đủ các thể loại, có rất nhiều thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết và các loại hình khác về đề tài thương binh liệt sĩ. Trong số ấy có nhiều tác phẩm có giá trị lâu bền trong thời gian. Nhưng đề tài về mấy cuộc kháng chiến lớn nói chung và đề tài thương binh liệt sĩ nói riêng còn và sẽ còn nguồn cảm hứng lớn đối với các nhà văn và nghệ sĩ hôm nay và mai sau.

Phạm Tiến Duật

Sau một lời nguyền

truyện ký
Văn Quốc Thanh


Hai đứa trẻ hì hục lần từng tảng đá trên bãi biển Ông Đụng bắt ốc vú nàng. Thằng anh độ mười bốn, đứa em nhỏ hơn hai tuổi. Ánh nắng ban mai dìu dịu rọi xuống cây ngô đồng vào tiết tháng Sáu ở miền hải đảo làm tôi cảm thấy dễ chịu sau những ngày oi bức ở miệt đồng bằng Nam bộ. Thanh và tôi chọn một chỗ ngồi khá thú vị, nếu vị trí nầy giành cho những đôi tình nhân thì còn gì bằng .
Biết tôi đang chăm chú nhìn mình, Thanh tỏ vẻ thẹn thùng rồi mơ màn nhìn về phía biển vờ quát bọn trẻ đừng đùa nghịch quá trớn mơ màngcó thể bị vỏ hàu cắt đứt tay chân. Bỗng tiếng “úi da” vang lên, thằng em chau mày ngồi khóc, thằng anh lính quýnh dỗ dành. Thanh bỏ tôi ngồi lại một mình vội chạy về ghềnh đá. Như một phản xạ tự nhiên tôi cũng lao về phía ấy. Vết cắt của mảnh hàu không sâu nhưng đủ làm bọn trẻ chùng lại trước trò nghịch ngợm và cuộc chuyện trò của chúng tôi cũng bị gián đoạn.
Bọn trẻ bị cuốn hút trước vẻ dẹp hoang sơ của thiên nhiên đã quên lời mẹ dặn, không còn bị ám ảnh bởi những mảnh hàu bén ngót nằm trơ ra bên thềm đá, tiếp tục cuộc vui đùa. Chúng tôi không quay lại chỗ cũ mà cùng đi dọc theo bờ biển dưới bóng những cây trâm rừng nghiêng che mát rượi.
-Thanh chỉ có hai cháu đó thôi ư?-Tôi hỏi.
Thanh sửa lại vành nón, lặng lẽ nhìn về phía biển xa xăm hồi tưởng lại cái chết thương tâm của đứa con trai ngày nào:
- Chúng tôi có cả thảy 3 con, nhưng đã bỏ một ở trong đất liền. Ngày ấy, hay tin bố chồng hấp hối bọn em bằng mọi cách phải về cho kịp nên quá giang một chiếc thuyền câu nhỏ vào đất liền. Khi thọ tang xong, thì đứa nhỏ bị chói nước ói mửa, lên cơn sốt rồi chuyển qua viêm phổi cấp tính. Trong lúc hai vợ chồng bối rối, gởi thằng anh cho người nhà trông hộ, nhưng gia đình sơ ý để thằng nhỏ đói bụng, ra bờ sông gọi người nhà lấy cơm ăn nhưng không may bị té sông ngạt nước chết mà chẳng ai hay. Anh thấy đó, quanh năm ở giữa biển mênh mông không sao chỉ một sơ hở nhỏ trên đất liền mà nhận lấy cái chết mới tức chứ! ”.
Thấy Thanh rút khăn chặm những giọt lệ lăn dài trên má, tôi hối hận bởi vô tình khơi lại những vết thương lòng nên lảng sang chuyện Khác:
-Thì ra cô không phải là dân ở đảo nầy?
-Đảo nầy là dân tứ xứ.Thịnh nhất là sau ngày giải phóng- Thanh trả lời.
Sóng vẫn rì rào. Thanh vẫn thì thầm bên tôi những tháng năm gian khổ của ngày đầu đến đây lập nghiệp.

oOo


Chiều hôm ấy, Đồng đang cặm cụi cầm cây giũa cà mạnh vào đầu hai thanh sắt thật sạch, anh tin rằng khi đặt khít nhau chỉ cần chạm nhẹ que hàn thì chúng sẽ dính chặt. Với động tác tưởng chừng đơn giản nầy nhưng ít có người thành công bởi sẽ gặp sự cố mối hàn bị nứt do thiếu kinh nghiệm.
Những giọt mồ hôi nhễ nhại được nung bởi cái nóng hầm hập bên ngoài thi nhau nhỏ xuống, anh với tay định lấy chiếc áo thun cũ ra lau thì có một bàn tay dịu dàng đặt lên vai, nói khẽ:“ dừng tay một chút đi anh”. Thanh âu yếm nhìn chồng, đưa bịch nước mía rồi mở giỏ lấy khăn chặm sạch những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhem nhuốc vết bẩn. Hút một hơi dài bịch nước mía cạn sạch, anh tinh nghịch xé toạc miệng bao ni-lon, móc cục nước đá bỏ vào cổ áo vợ. Thanh nũng nịu giãy đành đạch, nghiêng người bắt đền chồng. “chụt” một nụ hôn trao vội ẩn chứa bao niềm yêu thương trìu mến rồi cùng chồng thu dọn đồ nghề dồn vào một góc. Những chiếc khung cửa sắt hàn chưa xong, nhiều hoa văn còn dang dở, có chú chim ráp thiếu chân, cụt đầu đứng chông chênh dưới cành trúc. Có những cành hoa mai thiếu cánh. Không bao lâu họ đèo nhau trên chiếc xe cà tàng đạp miết về hướng Nhà văn hóa thanh niên Cần Thơ rồi dừng lại trước bảng thông báo vận động thanh niên tình nguyện xây dựng Côn Đảo, thời hạn 3 năm do Ban tổ chức chính quyền thành phố Cần Thơ phát động.
Đọc xong bảng thông báo, Đồng lên xe trở lại tiệm hàn, Thanh cũng quay về việc làm thường ngày của mình ở xí nghiệp đóng tàu Hậu Giang. Nhưng sau lần ấy đầu óc họ như rối tung lên. Thời gian cận kề quá họ phải dứt khoát chọn lựa đi hay ở? Không ai nói với nhau nửa lời, dường như mỗi người có những suy nghĩ riêng. Cứ thế không khí trong gia đình trở nên buồn tẻ. Câu chuyện của người sinh viên ở tù kể về Côn Đảo ngày nào đã cuốn hút, Thanh nguyện thế nào cũng phải đi một chuyến cho biết. Hằng đêm nằm gối đầu trên cánh tay chồng, Thanh cũng thỏ thẻ bên tai người bạn đời những ước muốn của mình nơi vùng biển trời mênh mông đầy lãng mạn. Mặc dù cuộc sống hiện thời có vất vả nhưng không đến nỗi khó Khăn. Biết thay đổi một hoàn cảnh sống đã khó nhưng thay đổi một cuộc sống lại càng khó hơn. Mỗi đêm một ít những lời nói ngọt ngào của Thanh như những giọt mật ngọt chảy vào tận tâm can chồng và con tim của người thợ hàn như bị nung chảy trước ngọn lửa khao khát cháy bỏng đầy thi vị của vợ. Anh đành nhượng bộ và giao hẹn với Thanh chỉ đi trong vòng ba năm, xong hợp đồng tình nguyện thì quay về. Được sự tán thành của chồng Thanh mừng như phát điên lên. Nàng quàng tay ghì chặt đầu chồng vào ngực. Trong khoảnh khắc tấm drap trải giường trắng tinh trên mặt nệm nhàu bấy. Họ nhìn nhau tình tứ dù không nói ra nhưng Đồng cũng hiểu mình sắp được …sự đền đáp của vợ.
Tiếng gọi ơi ới của anh em trong đoàn sáng tác văn học Vĩnh Long cùng cơn đói cồn cào làm hai đứa trẻ không còn thích thú nô đùa trên bãi biển. Triền cát bãi Ông Đụng nắng đã đậm màu. Những hạt cát li ti lấp lánh dưới ánh mặt trời. Dăm ba chiếc vỏ ốc xà cừ ửng lên màu huyền hoặc. Chúng tôi đi về hướng bếp ăn tập thể của những người lính đảo. Thanh hẹn tôi chiều nay sẽ kể tiếp.

oOo

Tháng sáu. Nắng ngã về chiều. Những tiếng ve rừng ngân nga trong tàn cây rậm. Tôi đi bên Thanh và theo sau là hai chúc nhóc. Có lẽ bọn chúng cũng chán phè phải đi theo mấy người lớn quá ư nhiều chuyện. Chúng xin phép được tự do ra triền cát bắt dã tràng và chơi trò móc cát xây nhà.
-Ở đảo lan rừng nhiều lắm, anh Văn thích loại nào? -Thanh hỏi tôi.
-Lan nào tôi cũng thích nhưng lúc nầy tôi thích nhất là lan …thang cùng người đẹp đi trong rừng.
Cầm tờ tạp chí Côn Đảo Ngày Nay cuộn tròn trên tay, Thanh quất vào vai tôi:“Anh giỏi có ga-lăng và nịnh đầm. Hay bọn mình vào rừng tìm lan đi anh!”.
Tôi áy náy:
-Bỏ tụi nhỏ, không sợ bọn trẻ xuống nước tắm, à?
-Sau cái chết tức tưởi của thằng anh, cha nó huấn luyện con bơi giỏi lắm bây giờ khỏi phải lo chúng té nước đâu. -Thanh trả lời.
Tôi quay lại triền cát dặn hai đứa nhỏ đừng xuống biển nguy hiểm. Bọn trẻ tinh nghịch giễu:
-Con giao mẹ cho chú , nếu mất mẹ Ba con uýnh chú chết à.
Thanh nhìn tôi cười ngượng và nhanh trí lý giải cho bọn trẻ hiểu rằng cuộc chuyện trò nầy nhằm giúp tôi tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những người ngày đầu đến đây lập nghiệp.
Trên con đường mòn dẫn vào rừng những chùm hoa trâm ổi tỏa hương thơm dìu dịu. Mùa nầy dâu rừng chín rộ. Tôi bẻ một cành cây khô định hái nhưng Thanh kịp ngăn lại:“Anh không đọc bảng cấm ngoài đầu dốc vào rừng, sao?”. Bị người đẹp nhắc nhỡ tôi vứt nhánh cây vào bụi rậm, đứng nhìn những chùm dâu chín vàng đu đưa trên cành mà không giấu nổi vẻ thèm thuồng, tiếc rẻ:
-Mình không hái thì trái chín rụng cũng bỏ thôi.
-Anh lầm. Những thứ đó là thức ăn chính của chim, thú trong rừng.
Thanh cho tôi biết đây là khu rừng cấm quốc gia, không ai được quyền đốn cây hoặc săn bắt thú rừng. Côn Đảo có nhiều chủng loại động thực vật quí hiếm. Có nhiều cây cỏ và động vật ở đây có nhưng trong đất liền không có. Dường như Côn Đảo là nơi tập hợp các loài động và thực vật vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở Việt Nam. Thanh rất thích lan rừng tuy màu sắc không hấp dẫn nhưng mùi hương thì không thể chê vào đâu được, chỉ có những người sành và tinh tế nhất mới thưởng thức hết hương vị lan rừng. Và phượng nữa. Mùa hè ở đảo rực lên một màu phượng đỏ. Phượng nghiêng mình soi bóng bên bờ biển chạy dài từ cầu tàu 914 đến cuối bãi Lò Vôi. Phượng tỏa bóng mát che du khách đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương. Tôi nhắc lại chuyện cũ - Thời tôi ra đảo lần đầu và được cô thuyết minh của khu bảo tàng di tích lịch sử Côn Đảo tặng một cây phượng nhỏ, tôi nâng niu mang về Vĩnh Long trồng đến nay nó đã vương cao khỏi sân thượng trụ sở Hội. Mỗi năm nhìn màu phượng thắm như gợi cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp Côn Đảo.
Thanh có vẻ tiếc nuối:
-Ừ,thời gian trôi nhanh quá anh nhỉ. Mới đó mà đã 6 năm rồi.
Câu nói của Thanh làm tôi nhớ lại cũng chính trên bờ biển nầy ngày xưa, bọn tôi ra đây tắm, thế mà bây giờ kẻ còn, người mất. Có người vì cuộc mưu sinh phải bỏ xứ ra đi. Có người đã vĩnh viễn giã từ cuộc sống.
Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Thanh hỏi tôi: “khi sáng em kể cho anh nghe đến đâu rồi?”.
-Đến chỗ hai ông bà đắn đo nên đi hay ở.- Tôi trả lời.
-Anh biết không, lúc mới đăng ký em quyết liệt lắm, nhưng khi về nhà thu xếp đồ đạc thì thấy cái gì cũng gắn liền với mình biết bao Kỷ niệm. Biết mang thứ nào theo đây. Nhưng nghĩ lại mình chỉ đi 3 năm thôi có gì đâu mà nghĩ ngợi lung tung. Ai ngờ gần 20 năm rồi mà vợ chồng em không rứt ra khỏi đảo. Đi nhớ, ở thương. Đảo là vậy đó anh!
Hôm ấy, vợ chồng em ẵm con nhỏ xuống Long Phú để lên tàu. Đúng ra tàu rời bến vào lúc 4 giờ chiều, nhưng gạo nhà máy xay chưa xong bọn em đành nán lại thêm một ngày nữa. Lần đầu đoạn tuyệt tổ ấm gia đình buồn vô kể, hai vợ chồng thay phiên nhau ẵm con suốt đêm, nhìn con ngủ vật vưởng trên tay mà chạnh lòng. Nhưng trong gian khổ khó khăn mới giàu nghị lực, mới thấy được thế nào là tình chồng nghĩa vợ. Ngày trước, em tỏ ra cương quyết bao nhiêu thì bấy giờ lại mềm yếu bấy nhiêu. Thấy em lo âu nghĩ ngợi ảnh pha trò động viên em:“Ráng một hai ngày nữa là tới đảo. Anh tình nguyện làm tù nhân cho mẹ con em giam cầm, tha hồ có người phục dịch”. Thường ngày anh ít nói, chưa bao giờ em thấy ảnh đùa cợt một câu rất có duyên và đúng lúc như vậy nên dù mệt nhưng em cũng không nhịn được cười.
Xuống tàu, khi mọi người ổn định xong chỗ ngồi, tàu đi được vài hải lý thì dông gió nổi lên. Mây đen ùn ùn kéo đến. Bầu trời nhuộm một màu u buồn thê lương ảm đạm. Mặt biển sóng tung bọt trắng xóa. Hễ nhìn thấy những lượn sóng từ xa tràn đến thì trên khuôn mặt mọi người như thể cắt không còn một giọt máu. Cứ mỗi lượn sóng ập đến thì con tàu tròng trành như muốn chìm và bị hút xuống sâu thăm thẳm rồi sau đó lại hất tung lên cao chót vót thấy chóng mặt phát khiếp. Phụ nữ và trẻ em bắt đầu ói mửa. Em khấn nguyện sao cho mau tới đảo, chắc ở lại luôn chứ không dám lên tàu lần thứ hai để quay về. Ai ngờ câu nói ấy như một lời nguyền đến bây giờ trở thành cư dân của Đảo.
Thế là sau một ngày một đêm vật lộn cùng sóng to gió lớn tàu mới cập bến cầu tàu 914. Ai nấy cũng phờ phạc. Nhưng một niềm an ủi lớn là được chính quyền và nhân dân Đảo ra đón tiếp nồng nhiệt, dù bụng đói cồn cào và cái lạnh như cắt da thịt dưới trời mưa tầm tả nhưng cũng thấy ấm lòng. Bà con xứ Đảo người thì phụ chuyền đồ đạc, kẻ khác dìu em và ẵm giúp cháu nhỏ lên bờ, tấm lòng của họ như anh em ruột thịt đi xa mới về.
Sau ba ngày ổn định xong nơi ăn chốn ơ, đoàn thanh niên tình nguyện xây dựng Côn Đảo được đưa đi tham quan các thắng cảnh, khu di tích lịch sử và trại giam ở đảo.
Nhớ lại, lúc ban đầu muốn cho du khách biết về Đảo thì người thuyết minh biết gì nói nấy. Đồng chí B-vừa là phó ban quản lý khu di tích kiêm luôn cả việc thuyết minh, hễ nghe người cựu tù nào đến thăm kể lại cảnh lao tù là vội ghi ghi chép chép. Cứ thế mỗi ngày trong sổ tay của họ dày thêm những trang sử vẻ vang và những tấm gương anh hùng liệt sĩ thà chịu cực hình, một lòng một dạ theo Đảng chứ không tỏ Ra run sợ hèn nhát trước những nhục hình tra tấn của kẻ thù. Cũng từ những việc làm nầy mà bảo tàng lịch sử Côn Đảo đã trả lại giá trị chân thật của một số chứng cứ lịch sử bị hiểu sai lệch. Ví dụ năm1987 chị Thiều Thị Tân (một cựu tù từ tuổi 15) cùng một nhóm sinh viên trí thức giỏi tiếng Pháp vào Trung tâm lưu trữ tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ra bài thơ “Đập đá Côn Lôn” của cụ Phan Chu Trinh sáng tác trong Banh I chứ không phải ở ngoài trời lúc đập đá mà xưa nay nhiều người lầm tưởng.(?)
Thanh say sưa kể về nghề nghiệp của mình nào cùng với đồng nghiệp dự nhiều khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ, được ban lãnh đạo tạo điều kiện tiếp cận nhân chứng sống lịch sử, tổng hợp lại các tài liệu và hệ thống bài thuyết minh cho hoàn chỉnh, có tính lôgíc.
Tôi ngắt một bông mua rừng trao Thanh, ai dè ẩn dưới chiếc lá là một chú sâu róm đen sì ngọ nguậy. Thanh hốt hoảng giậm chân thình thịch, rảy lia lịa. Vô tình chú sâu bắn vào cổ áo. Tôi cứ để nguyên con sâu đu đưa trên ve áo mình. Thanh áy náy muốn khều ra nhưng tôi không cho và nói:“ Biết đâu mai nầy nó cũng là một “cư dân” của Vĩnh Long. Cô cứ xem lời nói của tôi giống như một lời nguyền của cô ngày xưa vậy”.
Biết tôi trêu. Thanh lặng im. Để phá tan bầu không khí tôi bèn lên tiếng:
-Thanh vẫn chọn thuyết minh là nghề chính của mình chứ?
Không trả lời thẳng câu hỏi, Thanh lảng sang chuyện khác:
-Nếu đoàn sáng tác của các anh còn ở lại đây lâu, em thay mặt chồng mời anh đến nhà dùng một bữa cơm thân mật.
Không riêng gì Thanh hầu hết người dân ở đây rất mến khách. Ngày đầu tiên nghe tin đoàn Vĩnh Long ra, một cựu thuyết minh viên( người tặng tôi cây phượng năm xưa) cùng chồng gọi điện thoại mời tôi đến nhà dùng bữa cơm thân mật, vợ chồng anh chị trách tôi tệ quá ghé Đảo mà không đến thăm họ. Tôi biết nói gì hơn với cái tính xềnh xoàng hay vô tình của mình. Thôi, tạm mượn ly rượu để thay lời tạ lỗi vậy.
oOo

Góc phố Thanh ở có lẽ sạch và đẹp hơn nhiều so với nơi gia đình tôi đang sinh sống. Tuy là trung tâm thị xã của một tỉnh đồng bằng Nam bộ chứ mỗi lần đến mùa nước ngập thì cả con hẻm tôi rác rưởi nổi lềnh bềnh, xông lên một mùi tanh nồng khó chịu. Còn nơi đây, đường tráng nhựa láng nhẵn. Hai bên rực lên một màu phượng thắm, ẩn dưới sắc đỏ ấy là những quán giải khát đèn màu cùng những dàn âm thanh hiện đại, nhưng đèn vừa đủ sáng, âm thanh vừa đủ nghe, không mờ mờ ảo ảo và ồn ào đinh tai nhức óc như thường ngày tôi phải hứng chịu.
Không biết vợ chồng Thanh chuẩn bị từ Lúc nào, trong phòng ăn một mâm cơm dọn sẵn, toàn đặc sản của biển. Đồng nâng luy rượu đưa về phía tôi và nói:“Rượu nầy là đặc sản của đảo, màu hồng bầm là rể cây thiên niên kiện ngâm với hải mã phơi khô đó nghe. Hễ uống một ly thì vợ đi kiện ngàn năn vì…” Đồng chưa nói hết câu liếc thấy vợ lườm mình nên đánh ực một cái trắng đít ly. Anh gắp bỏ vào chén tôi miếng mực xào củ hành tây thơm lựng rồi khoác tay:“Dùng tự nhiên đi! Đừng có khách sáo”.
Rượu vào, lời ra. Anh say sưa kể cho tôi nghe chỗ nầy ngày xưa hoang vu lắm, toàn lau sậy mọc um tùm. Vợ chồng anh được nhà nước cấp cho hơn một trăm mét vuông đất, anh em bộ đội dùng xe GMC chở xà bần đến lấp không lấy một xu tiền công, nhà nước hóa giá tôn và xi-măng rẻ rề để cất nhà, bạn bè cho mượn vô thời hạn hai cây vàng ròng làm vốn. Sáng, vợ dậy sớm nhóm lửa nấu bún riêu. Lúc đầu khách chê dở, góp ý riết thành ngon. Bán bún xong, vợ đến cơ quan làm việc, trống chỗ tôi bày đồ ra hàn, dần dà trả hết nợ. Cần mẫn lắm mới có được như ngày nay.
Tôi chen vào:
-Hai ông bà hạnh phúc quá! Có một cơ ngơi như thế nầy dù có mơ tôi cũng không bao giờ với tới.
Nghe lời khen bùi tai. Cao hứng. Đồng nâng ly rượu nheo mắt về phía vợ:
-Vô đi em! Chúng mình cạn ly với bạn hiền, nào.
Mặt tôi bắt đầu phừng phừng muốn đứng lên từ chối, nhưng thấy Đồng nhiệt tình quá cũng liều với anh cạn sạch chai rượu. Trong men say Đồng đề nghị hai vợ chồng cùng ca vọng cổ để tặng bạn. Tôi ngạc nhiên vì hôm qua, Thanh là một thuyết minh viên hướng dẫn khách tham quan thao thao bất tuyệt với mọi người, còn bữa nay, chỉ tủm tỉm nhường chồng cười cười nói nói thật vui nhộn.
Dường như Thanh muốn dành trọn niềm vui nầy cho chồng sau những tháng năm dài đồng cam cộng khổ. Đâu ngờ tính hiếu kỳ và câu nói vô tình trên tàu ngày xưa như một lời nguyền để bây giờ kéo theo chồng con gắn chặt cuộc sống với Côn Đảo.
VQT

Mẹ xem tin lũ

thơ Văn Quốc Thanh

Giờ thời sự Mẹ qua nhà hàng xóm
Trên màn hình lũ xóa một vùng quê
Đồi trọc, rừng thưa không ngăn nổi lũ về
Tiếng gào thét như nghiêng trời xé gió
Đôi má hóp hom hem lệ nhỏ
Mẹ nhói đau về phía truyền hình . . .

Và mỗi lúc vẫn hung tin lũ dữ
Mưa điên cuồng trút nước xuống trần gian
Cửa nhà trôi lũ quét bạo tàn
Bao sự sống dập vùi trong cái chết
Phút căng thẳng Mẹ ngây ra ngờ nghệch
Mẹ nhói đau về phía truyền hình . . .

Ôi trăm nghìn mảnh vụn là vạn kiếp sinh linh
Mẹ ngơ ngác bàng hoàng trong đổ nát . . .

Bão táp qua đi, Mẹ đến bàn thờ
Cây nhang cháy biết ai người thân thuộc
Thôi, Mẹ đốt cho miền Trung núm ruột
Chút khói hương sưởi ấm lòng người

Mẹ nói thế và nguyện cầu giông tố
Lũ thôi về và bão cũng đừng gieo
Miền Trung ơi! Chiếc đòn gánh quặt quèo
Oằn vai nặng giữa hai đầu Tổ quốc.

Nhà dột nát thân gầy như que củi
Sợi tóc bạc phơ rũ xuống lưng còng
Va-li rách còn dăm ba tiền lẻ
Bàn tay run gom lại từng đồng
Miếng khi đói …Ôi tấm lòng của Mẹ
Có gì hơn ngoài cuộc sống long đong!

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2007

đọc "Giật mình cầu nguyện" của Văn Quốc Thanh

Nhà văn
Hồ Tĩnh Tâm


Văn Quốc Thanh là bạn văn chương từ rất lâu của tôi. Chúng tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm vui buồn- thậm chí cả những kỷ niệm không hay ho gì- trên những nẻo đường vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, và ra tận các hải đảo trùng khơi. Nhưng đó là đời. Đời đến tận cùng khổ đau và hạnh phúc, tận cùng máu thịt.
Bài Giật mình cầu nguyện là tôi tự ý lấy trên blogs tại http://vanquocthanh.blogspot.com của anh. Tôi cảm bài này bởi sẽ không có chân lý, nếu: ai đó dám ném đá vào người đàn bà đã yêu và ghét rất thật!

GIẬT MÌNH CẦU NGUYỆN
I
đêm qua tôi nằm mơ
thấy người đàn bà bị đem ra ném đá
bầy quỉ dữ đến hỏi tội
“tội yêu và ghét”
người đàn bà không nhận lỗi về mình
loanh quanh bởi lũ yêu tinh râu xanh muôn thuở
II
dưới chân đồi
vô số người đàn ông
tay ôm những đoá hoa hồng
trên khuôn mặt thoáng chút dỗi hờn trách móc...
nhưng vẫn không ngớt lời van xin thượng đế.
III
bầy quỉ dữ ơi!
thôi đừng đòn roi
đừng răn đe, đừng chảo dầu, biển lửa…
đừng làm tan nát pho tượng
mà thượng đế ban tặng trần gian
rồi vô tình gieo rắc đau thương và tội lỗi.
IV
tôi giật mình thức giữa đêm sâu
cúi đầu khấn nguyện
và tự nhũ:
thế gian sẽ ra sao khi không có đàn bà?

Giật mình cầu nguyện là sự thật của tất cả chúng ta.Trước Chúa, hãy làm dấu Thánh và hãy nói rằng “tôi không có tội, tôi có quyền ném đá vào cô gái ấy”. Đọc xong bài thơ này, bạn có dám thề trước Chúa điều đó không?

Văn Quốc Thanh cầu nguyện bốn lần trong bốn đoản khúc thơ của anh. Vin vào nhau, tựa vào nhau, bốn đoản khúc thơ muốn nói với chúng ta một sự thật mà đấng thiêng liêng đã nói: “Không có sự công bình, không có một người công bình nào cả!”.Vậy thì hỡi con người, đối diện với sự công bình, hãy thử ném đá vào người đàn bà đó?!

Có thật là Văn Quốc Thanh nằm mơ không?Hay đó chỉ là một nghi vấn có tính tu từ nghệ thuật. Bởi lẽ trên cõi trần gian này, còn quá nhiều người dám dối trá về sự công bình. Họ nhân danh ai mà hành tội người đàn bà đó? Chẳng lẽ ai dám dũng cảm “yêu và ghét” đều là tội đồ sao?!Amen!Cầu xin Chúa thứ tội cho các con chiên của Người!!!

Đoản khúc II kéo chúng ta về với sự thật: hàng đống đàn ông ôm hoa hồng dưới chân đồi, khóc lóc van xin thượng đế. Nhưng… họ van xin điều gì? Xin được sám hối chăng? Xin được rửa tội chăng? Hay van xin đấng sáng tạo ban phát cho họ tình yêu và hạnh phúc?Người đàn bà ấy được rút ra từ xương sườn của họ, vậy mà họ dám ném đá ư? Ngậm máu phun người trước hết bẩn mồm mình.Lạy Chúa ba ngôi cho con nói:Con xin được giang tay làm thánh giá Cứu rỗi em con lúc yếu hèn! (Không, đúng ra con phải nói: Cứu rỗi em con dưới mặt trời!”.

Đoản khúc III có phải là lời cầu nguyện không? Khi mà Văn Quốc Thanh trực diện nói với bầy quỷ dữ, rằng: pho tượng ấy là quà tặng thiêng liêng của Chúa, các người chớ phạm thêm sai lầm!Và… Văn Quốc Thanh khép lại bằng sự thức tỉnh sau cơn mơ: thế giới sẽ ra sao nếu không có những người đàn bà đến với con người từ quyền lực sáng tạo vô song của Chúa.

Đọc xong bài Giật mình cầu nguyện, tự nhiên tôi xúc động nhớ lại câu chuyện sáng tạo cái đẹp của Picmalion.Picmalion đã bỏ gần hết cuộc đời mình để ca ngợi cái đẹp tối thượng: người phụ nữ của hành tinh. Khi pho tượng ca ngợi vẻ đẹp vĩnh cửu hoàn thành, Pic đã kiệt sức vì tuổi tác. Nhưng… lạy Chúa! Nữ thần Ái tình đã nhìn thấy Pic gục ngủ bên pho tượng tuyệt tác về cái đẹp. Nữ thần đã động lòng, hà hơi ban sự sống cho pho tượng. Từ trong từng thớ đá, người phụ nữ mĩ miều đã bước vào cuộc đời của Pic. Đó chính là cái giá lơn nhất của lao động sáng tạo nghệ thuật.

Bạn hãy làm điều đó đi! Bạn sẽ được ban tặng tình yêu trên mặt đất! Amen!Lạy Chúa! Người ban phước lành cho tất cả con người!HTT

Con người và chiếc bóng

Có những đêm thiếu ánh đèn dầu
Căn phòng chật và bóng đêm dày đặc
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban mai
Mặt trời mọc chiếc đầu tôi đổ xuống.

Có những đêm dưới ánh đèn dầu
Vùng ánh sáng lẻ loi lạnh ngắt
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban trưa
Mặt trời ở đỉnh cao vời vợi
Chiếc đầu tôi lại ở dưới chân mình.

Có những đêm thức với đèn dầu
Cơn gió trêu người. Ngọn đèn khuya lắt lẻo
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi hoàng hôn
Mặt trời rơi vào bóng đêm u tịch.

Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta đi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!
Rực rỡ phương Đông, bóng đổ trời Tây
Mặt trời càng cao bóng người càng nhỏ bé.

Thú hoang
I
Bầy thú hoang trong khu vườn chật hẹp
được nuôi dạy vỗ về bởi những ông chủ già nua
mỗi bữa ăn được ném cho vài miếng thịt đắt tiền - hoang phí
và những cái vuốt ve quen thuộc- tự hào.
II
Tuổi về chiều mệt mỏi
chủ thiếp đi cánh cửa chỉ khép hờ
rừng thênh thang gọi mời phía trước
tiếng suối reo róc rách giội về
ngào ngạt mùi hoa thơm cỏ lạ
thú tung tăng lạc giữa rừng chiều…
III
Rồi một hôm nhàn rỗi
những ông chủ đi săn
thú chợt nhận ra người mừng mừng, tủi tủi…
nhưng người thì bận rộn với cung tên.

Thôi muộn rồi con thú tội nghiệp kia ơi!
miếng thịt rừng hoang lừng thơm mùi tang tóc
thú và người ai dễ nhận ra nhau?
chiều nay
trong buổi tiệc
những ông chủ
nâng cốc
say!

Trái tim đảo ngược

Đêm nay say trước gương soi
Mảnh kiếng vỡ làm ngực anh rách toạc
Anh thấy trái tim mình đảo ngược thành ngọn lửa
Cứ bập bùng cháy bỏng yêu thương.

Không hiểu cớ gì anh lại uống nhiều hơn
Dốc cùng kiệt đến bình khô cạn rượu
Mượn men đốt cái tế bào ung bướu
Mầm tương tư đày đoạ một kiếp người.

Ừ mai này anh sẽ tập quên
Quên để dối lòng khi thương nhớ.
Để soi gương không còn bỡ ngỡ
Khi thấy trái tim mình đảo ngược
như ngọn lửa em ơi!
VL 6/10/05

Hoa trên Núi Cấm

Xưa anh có hứa khi nào rỗi
Mình hẹn nhau lên”Lễ tắm Bà”
Đã trót người phàm trong cõi tục
Thánh còn phải tắm huống gì ta?

Nay anh lầm lũi về Núi Cấm
Mới biết rừng sâu có một điều
Người mang tội lỗi lên non khấn
Còn anh lẩn thẩm một tình yêu.

Bởi em hoa dại giữa rừng xanh
Không sắc, không hương chẳng lá cành
Đôi lúc anh nhìn như muốn hái
Nhưng sợ đau loài… hoa của anh.

Ai đem tên Cấm đặt cho núi?
Để chốn rừng sâu chẳng lối vào
Nhớ bóng trâm già che cỏ biếc
Ta ngồi trốn nắng tận non cao.

Xin chào Văn Quốc Thanh !
Tôi vào blogs của anh, đọc thấy lý thú lắm, trình bày cũng đẹp.Trước hết có lời chúc mừng anh Sau nữa mời anh thỉnh thỏang ghé http://vnweblogs.com/ đọc tác phẩm của bạn bè trong cộng đồng này!Tôi post vào đây bốn bài của anh, vì lẽ:

Mỗi chúng ta đứng trên trái tim trái đất
Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
Và chưa chi chiều đã tắt
(Giải Nô Ben- Tôi không nhớ tác giả, vì đọc bài này đã mấy chục năm trong tập “Mài sắt nên kim” của Xuân Diệu).

Với nữa, bài Con người và chiếc bóng của anh, khiến tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của Đức Phật: Không ai ra khỏi chiếc bóng của mình.
Chiếc bóng là ảo hay thực, thiêt nghĩ không nên tranh luận ở đây; nhưng có lẽ tôi muốn nói thêm, chiếc bóng của chúng ta là trường cửu cùng ánh sáng trong không gian vô tận nhiệm mầu. Hãy làm sao cho chiếc bóng đó không phải là ám ảnh xấu, ám ảnh tội lỗi. Chỉ tắt nắng mặt trời thì chiếc bóng của ta mới biến mất; nhưng không vì thế mà nó không tồn tại!

Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta đi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!

Bài Thú hoang tôi được nghe anh đọc lần đầu qua điện thoại, lúc tôi đang ở Trại Sáng tác bên bờ biển tím Kiên Lương. Bấy giờ tôi có nói là tôi thích bài thơ này, và anh đã nhắn nó cho tôi qua di động. Sau đó tôi với Ngô Hồng Nga đã hợp sức biến nó thành truyện ngắn Con chó hoang trên bờ biển- đã đăng trên tạp chí Chiêu Anh Các.Chó nhận ra người, chứ con người đốn mạt thì không nhận ra chó.Anh từng biết suýt nữa thì họ nện tôi một đòn chí mạng (họ đã gấm ghé tung tin, nhưng lập tức bị dư luận dập tắt; một phần cũng bởi họ đã nếm đòn khi phang Ngôi mộ không hài cốt của anh), khi tôi cho công bố vào dịp Tết truyện ngắn “Con chó đói chạy trong thị xã”- 1 trong chùm 5 truyện chó của tôi được ấn hành vào lúc đó. Trên chuyên mục “truyện hồ tĩnh tâm” của blogs này, anh có thể thấy tôi yêu chó đến ngần nào, qua truyện “Trở về với dòng sông”.Chó còn biết tìm về nguồn cội, huống nữa là người.

Bài Trái tim đảo ngược có tứ hay, nhưng có lẽ anh nên thay mấy chữ trong câu “cứ bập bùng cháy bỏng yêu thương”. Tình yêu phải bùng cháy rừng rực, chứ đừng để cho nó chỉ bập bùng.

Bài Hoa trên Núi Cấm có lẽ anh viết trong đợt đi thực tế sáng tác miệt núi Cấm với tôi thì phải. Đợt đó tôi viết được 2 truyện: Núi giữa đồng bằngVi vút rừng xuân. Cả hai truyện này đều đã đăng trên Tuần báo Văn nghệ Việt Nam và đăng lại trên Văn hóa Văn nghệ công an, sau đó in trong tập truyện được giải Nhì Ủy ban toàn quốc: Núi giữa đồng bằng của tôi.Tôi thích bài thơ này vì cái tứ: “Thánh còn phải tắm nữa là ta?”

Rất mong anh thỉnh thoảng ghé thăm cộng đồng vnweblogs của chúng tôi!
HTT
đọc thêm Thơ Hồ Tĩnh Tâm

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2007

Tiếng hót chìa vôi

thơ
Ngọc Hiệp


Đem tiếng hót gọi hừng đông thức dậy
Cây lá mừng, giang tay đón chìa vôi
Cũng tiếng hót làm đời chim nghiệt ngã
Khi vườn cây có con “bổi” - con “mồi”


Suốt một đời giam mình trong lụp bẫy
Kiếp chim “mồi” quen cuộc sống lao lung
Cất tiếng hót khơi lên lòng ganh tị
Con “bổi” kia bỗng nổi … “máu anh hùng”


Lòng ganh tị dẫn đường vào cõi chết,
Cạm bẫy giăng đè bẹp cánh chim trời.
Sống chỉ biết hơn thua nhau tiếng hót
Biến chim thành công cụ bẫy nhau thôi


Điệu hót nào khơi dậy lòng ganh tị?
Điệu hót nào đánh thức buổi bình minh?
Rừng quặng đau nhìn đời chim xơ xác
Giết lẫn nhau bằng ngôn ngữ chính mình

đọc Câu cá vượt của Ngọc Hiệp

Nhà vắng anh

thơ Ngọc Hải

Nhà vắng anh bổng trống trải lạ thường
Chẳng biết làm gì -Em vào ra thơ thẩn
Trời hửng nắng sao lòng em lạnh thế
Bàn ghế buồn, chăn nệm cũng cô đơn
Đêm đêm về chăn nệm chẳng ấm hơn
Chiếc gối đôi, phía bên kia vắng nửa
Chiếc mền chung hằng ngày ta đắp chật
Sao bây giờ rộng rộng quá đi thôi
Và anh ơi em chẳng thích đơn côi
Anh đi hoài để mình em thơ thẩn
Nếu như ngày xưakhông có anh
Em chỉ buồn một nửa
Thì bây giờ, cái nhớ lại nhân đôi.
Ngọc Hải

Minh Nguyệt

thơ Minh Nguyệt

Mùa Xuân

Gió tàn đông chạnh lòng lữ thứ
Gởi về em nỗi nhớ xa quê
Mắt biếc có còn xanh tháng chạp
Môi thắm giêng hai đợi tôi về?

Nắng có nhuộm vàng mơ con gái
Em tôi tóc ngắn buổi trâm cài
Tôi xa mấy độ tàn mai rụng
Mơ biết còn nồng hay đã phai?

Chim én gọi Xuân về vườn cũ
Nhớ gọi tôi về buổi Xuân nay
Một nụ hoa lòng bâng khuâng nở
Tinh mơ hương sớm nhẹ nhàng bay.

Xuân đã về đây, tôi về đây Mùa
Xuân đã chín chiều ba mươi
Chén nồng ai rót đêm trừ tịch
Sáng mùng một Tết vẫn còn say.

Tết quê xưa
thơ Minh Nguyệt

Sắt se ngọn gió tàn đông lạnh
Chạnh lòng nhớ lại Tết quê xưa
Những chiếc bánh phồng thơm nếp mới
Dưới nắng vàng tươi sắc đợi chờ.

Tháng chạp cu kêu nghe rộn rã
Nức lòng mừng áo mới mẹ may
Chiều ba mươi bếp lửa hồng nhớ mãi
Chuyện Lang Liêu nội kể ấm đêm dài.

Quê cũ giờ xa không trở lại
Mỗi độ xuân về nhớ Tết quê
Nhìn mai vàng nở trong nắng sớm
Mùi bánh phồng thơm cứ tìm về.

Chiều nay gió lạnh buổi tàn đông
Nhớ quá nội ơi! Bếp lửa hồng
Nồi bánh tét xưa, câu chuyện cũ
Quê nội xa vời con nhớ mong.

Nhớ Một Vầng Trăng
thơ Minh Nguyệt

Xa con sông quê nhớ những câu hò
Con xa mẹ nhớ vườn cau hoa trắng
Sớm tinh mơ bông bí vàng trong nắng
Những trưa hè ngọt tiếng mẹ ru hời.

Và đêm nay từng cơn gió không lời
Thổi se sắt vào lòng con nhớ mẹ
Gió thổi qua miền đắng cay dâu bể
Mưa nắng cuộc đời năm tháng có phai phôi.

Bóng ngày phai mẹ ngồi đếm lá rơi
Thời gian rụng xuống mái đầu mẹ bạc
Thương con dại giữa đục trong bến khác
Rưng rức buồn hoa tím lạc dòng trôi.

Con qua bờ bến lạ cuộc đời
Mẹ như bóng trăng đơn bên góc bếp
Tiếng chim vịt gọi chiều tha thiết
Con nhớ quê mình… nhớ một vầng trăng.

Bông mù u trắng

thơ Minh Nguyệt

Tôi trở về nơi tôi đã sinh ra
Thơm quê mẹ ngọt ngào hương lúa chín
Hàng dừa xanh nghiêng mình che bóng nắng
Mù u mùa này hoa nở trắng đường thôn.

Xưa mẹ kể ngày tôi chưa sinh
Bao lớp cha anh lên đường cùng nóp giáo
Thu tháng Tám mùa Thu xanh sắc áo
Cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay.

Trong đoàn quân ngày ấy có cha tôi
Mẹ cô giao liên tuổi tròn mười tám
Những buổi hành quân qua con rạch cạn
Bông nhỏ mù u rụng trắng đầu.

Mặt trời hồng sắc đỏ mùa thu
Cưới vừa xong cha vào kháng chiến
Có những ngày Thu bừng sắc nắng
Chiến trường xa thắng trận gọi tin về.

Đất nước thanh bình cha trở lại quê
Căn nhà cũ không còn bóng mẹ
Cây mù u bao mùa thay xanh lá
Tóc cha giờ trổ trắng màu hoa.

Tôi trở về nơi tôi đã sinh ra
Con chim nhỏ gọi mùa trên cao hót
Lúa oằn bông vườn cây sai trái ngọt
Rặng mù u già hoa nở trắng đường thôn.

Em – Mùa thu

thơ Minh Nguyệt


Thu đã về cho lá vàng rơi mãi
Trên lối đi mòn những khóm cỏ non
Tôi thương em tuổi mười lăm nhỏ dại
Như con bướm vàng trong câu hát ví von.

Trái mồng tơi em thích làm mực tím
Đuổi bướm tơ môi em mỉm cười thầm
Con bướm sợ con bướm bay đi trốn
Đậu trên giàn dây bí mọc xanh xanh.

Lục bình trôi em vớt bông búp nở
Gói chiếc nem làm bánh gọi là quà
Tôi đến chơi em cắt từng miếng nhỏ
Ăn giả đò nhìn nước chảy xa xa.

Mùa lúa trổ em đòi đi theo mẹ
Hái nhãn lồng ngắt bông súng dưới ao
Đĩa vắt, chân gai đâm đầy vết lở
Mẹ la rầy em vẫn khóc đòi theo.

Em theo chồng không còn chơi chòi nữa
Mùa thu buồn trong mắt đỏ em tôi
Dây mồng tơi bên rào thêm tím nhớ
Đợi em về bông bí đã vàng rơi.

Trăng xưa

thơ Văn Quốc Thanh

Thôi nhé em từ nay đừng mong đợi
Hãy về đi quay gót lại đi em
Hãy ngủ ngoan trong giấc mộng êm đềm
Anh thao thức nghe mưa rơi trong mắt.

Thôi nhé em từ nay đành quay mặt
Đừng nuôi hoài ảo tưởng nữa nghe em
Nhỡ mùi hương tình ái ngấm say mèm
Anh chỉ trách tầm tay anh quá ngắn.

Thôi nhé em từ nay đành câm lặng
Như tiếng đàn chưa dứt vội ngang cung
Để đêm về lòng vương vấn nhớ nhung
Và ray rức hồn anh màu nhung nhớ.

Thôi nhé em từ nay đành dang dở
Duyên không thành ta chịu vậy nghe em
Ánh trăng khuya lặng lẽ rụng cuối thềm
Đêm chìm xuống thiếu em hiu quạnh lắm.

Quang Minh

thơ Quang Minh (Anchorage, USA)

NHỚ TẾT QUÊ HƯƠNG


Giờ này bên mình chắc phố phường đông lắm
Chợ hoa cầu Tàu đông đúc người đi
Ngắm nhành mai đang chờ đón giao thừa
Nghe hơi thở của một ngày giáp Tết

Giờ này chắc ở nhà đông vui lắm
Anh chị đang ngồi sum hợp bên nhau
Nồi bánh tét đang chất đầy trong bếp
Chất chứa yêu thương chất chứa mặn nồng
Giờ này tôi ở một nơi xa quê lắm
Mắt trông theo một hạnh phúc xa dần
Giờ này đang mùa Đông bên xứ lạ
Co ro ngồi nhớ Tết ở quê nhà

Giờ này bên mình chắc là đang vui lắm
Rượu đong đầy bánh mức chúc mừng nhau
Giọt nước mắt cứ ngược vào trong ký ức
Tết quê người tôi cứ ngỡ tết quê hương...
Anchorage 23/01/2007

anh yêu em


Dẫu biết rằng chúng mình không còn trẻ nửa
Nhưng sao tình yêu đến nồng nàn như thuở mới vừa yêu
Anh yêu em yêu đến ngây ngất trong lòng
Yêu say đắm như chưa bao giờ say đắm

Dẫu biết rằng tình yêu đến với mình muộn quá
Anh vẫn âm thầm đợi mòn mõi một lần yêu
Như lần gặp lại nhau của hơn một thuở học trò
Nghe mùi mực viết như vẫn còn đâu đó

Dẫu rằng anh biết mình không còn trẻ nửa
Nhưng xin yêu em, yêu đến vạn nghìn lần
Yêu em đến khi ngừng hơi thở
Yêu đến khi tóc bạc đầu, yêu mãi vạn ngày sau.

Không có nuối tiếc không có ngày thừa thãi
Anh lạc cõi thiên đàng em lạc bước vào anh
Anh nắm tay em ta đi suốt cuộc hành trình
Nghe hạnh phúc dưới chân mình réo gọi

Dẫu mai này anh và em không còn trẻ nửa
Anh sẽ yêu em yêu đến biển cạn đá mòn
Hành trang chúng mình chỉ có ngày tuổi trẻ
Bước lạc vào nhau tìm hạnh phúc giữa đời trần…
12/05/2005

MÙA ĐÔNG XỨ LẠ

Nỗi nhớ cứ kéo dài đăng đẳng

Từ lúc theo em sang xứ lạ quê người
Anh nghe niềm cô đơn sâu thẳm
Heo hút mang trong giá buốt từng ngày

Mùa Đông nơi này anh nghe rét mướt
Kéo lạnh từng cơn rung bắn cả người
Và nỗi nhớ nhà cứ từng ngày kéo đến
Ngày lại trôi, và ngày cứ lại trôi

Anh ngồi co ro ôm niềm thương nhớ
Mong cứ như được về nhìn thấy quê hương
Dẫu mùa Đông sẽ đến trong ngày mai
Nhưng anh thấy trong lòng mình sẽ ấm

Mai này anh về trong giá lạnh
Không biết ai còn ai mất ở quê hương
Nắng nơi đây anh bỗng thấy xa dần
Niềm tiếc nuối vẫn mãi còn đâu đó

Em ơi mùa Đông đầu tiên trong anh đó
Lá cứ vàng, và lá cứ mãi rơi
Nắm tay nhau, cùng mở cửa thiên đường
Anh cùng em ta đi trong hạnh phúc

Nhắm mắt lại anh thấy mình nhỏ bé
Cảm giác cứ từng ngày gần lại trong anh
Chờ đợi mùa Đông anh chờ đợi mùa Đông
Và cứ thế anh lại chờ, cứ thế...
Anchorage 21/10/2006







Đêm nguyệt quế

nhà thơ Song Hảo

Bao nhiêu năm tình yêu lận đận
Trái tim em tưởng hóa đá mất rồi
Đêm giao thừa thức cùng hương nguyệt quế
Chợt gặp mình đang ở tuổi hai mươi

Chẳng dễ gì xua anh khỏi đời em
Ơi tình yêu đắng cay nghiệt ngã
Em cố tình lãng quên quá khứ
Đã một thời ta lặng lẽ say nhau
Đã có lần ta lặng lẽ rời nhau
Trái tim em giấu nỗi đau vô tận
Sao cứ mãi đánh lừa số phận
Em thương mình biết bao !
Bàn tay em nhiều lần bấu vào khoảng không
Kiếm tìm bao điều hư ảo
Em nở quên có anh bên cạnh
Đã nhặt từng mảnh vỡ trái tim em
Và chắp nên tình yêu nguyên vẹn

Đêm giao thừa ướp đầm hương nguyệt quế
Dành cho anh và em
Mùi hương như đã ủ bao năm
Bỗng bừng lên lan tỏa
Và …
Em biết mình sẽ mãi nhớ anh
Nỗi nhớ của phần đời còn lại
Em bây giờ chẳng còn là em nữa
Đã tan vào trong anh
Như hương hoa tan vào trong đêm …
Xuân 99


Kỷ niệm một chuyến đi

bút ký


Chuyến đi Trà Cú lấy tư liệu để tham gia viết bài theo nhã ý của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh gây cho tôi thật nhiều hứng khởi. Thú thực là cũng pha chút cảm giác vừa tò mò vừa ngại, vì đi lần đầu, không biết có viết được “ra ngô, ra khoai” gì không. Nếu không có bài, hoặc bài viết không ra gì thì cầm bằng chỉ có nước mà… độn thổ. Để vững tâm hơn, tôi rủ chị Dạ Minh cùng đi. May mà chị không từ chối!

Sáng tinh mơ, hai chị em đã nai nịt khăn gói lên đường. Theo chỉ dẫn của người bạn gốc Trà Cú ở gần nhà, chúng tôi quyết định đi đường tắt để vừa tiết kiệm thời gian vừa tới kịp để dự cuộc họp triển khai cuộc vận động viết bài. Khách đi phà sớm ở đầu bến Cần Thơ đông nghẹt. Phải mất đứt gần 30 phút, chúng tôi mới đến bờ Bình Minh. Đi tắt, nên chốc chốc cứ phải dừng lại để hỏi đường. Buổi sớm thanh bình. Gió đồng quê mát rượi. Hôm qua, vừa có trận mưa đầu mùa đã đời, nên hôm nay đường đất thật là sạch sẽ. Cây cối như reo vui đón làn nắng ban mai. Gần trăm cây số, cứ nhằm hướng mặt trời mà đi. Giả tỷ không hỏi thăm đường, chưa chắc gì chúng tôi đã đi lạc. Nói vậy, không phải là không cảm ơn bà con đã chỉ đường cho chị em tôi.

Qua phà Trà Ôn thì ông mặt trời đã tỉnh ngủ hẳn. Lão ta cứ như giỡn ngươi, vừa chạy lùi đằng trước mặt vừa nheo nheo mắt cười như chọc tức tôi. Để tránh bị lão làm phiền, tôi đành dừng xe, lấy gọng kính mát đen thui lên tròng vào mắt. Tới thị trấn Cầu Kè, chúng tôi đậu lại dùng điểm tâm. Dạ Minh kêu to: “Mỏi tay quá trời !”. Tôi phá ra cười vì sự vụng về của chị. Thì ra chị không biết cách gài pher-mơ-tuya áo khoác và quai nón bảo hiểm. Vì vậy, dọc đường, một tay thì giữ quai vì sợ nón rơi, tay kia thì giữ rịt hai mép áo. Thế là có thêm một đề tài vui nữa trong chuyến đi. Tôi thỉnh thoảng lại chọc chị: “Chỉ biết làm thơ thôi!”. Biết tôi kiếm chuyện cho ngắn bớt đoạn đường, nên chị cũng chẳng thèm phản ứng chi cho mệt. Sau khi giải phóng đôi tay, chị như càng yêu đời hơn, vừa đi vừa khe khẽ đọc mấy câu thơ của một tác giả nào đó rất nổi tiếng. Hình như là của nhà thơ Thu Bồn.

Gần chín giờ thì chúng tôi đến nơi. Cũng may, cuộc họp chưa bắt đầu. Anh Lê Tân, hội viên hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch hội VHNT Trà Vinh niềm nở đứng dậy bắt tay và chỉ chỗ cho chúng tôi an vị. Ngoài các tác giả của địa phương và chị em tôi từ Cần Thơ sang, còn thấy xuất hiện nhiều cây viết nổi tiếng khác như Song Hảo, Hồ Tĩnh Tâm, Văn Quốc Thanh, Ngọc Hiệp của Vĩnh Long, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em của An Giang… Nhiều người trong số họ, chúng tôi mới chỉ gặp mặt lần đầu.

Phần giới thiệu khách diễn ra không nghi thức rườm rà mà đơn giản, thân mật như thể những người thân lâu ngày gặp mặt. Tiếp theo đó, anh Ba Khỏe, Bí thư Huyện ủy giới thiệu thành phần chủ nhà và khái quát tình hình địa phương. Anh Lê Tân cám ơn và thay mặt Ban Biên tập Tập san thông qua đề cương. Một số tác giả đăng ký đề tài để địa phương có kế hoạch bố trí người hướng dẫn xuống điểm thu thập tư liệu. Riêng các tác giả thơ thì không cần đăng ký trước. Hồi nào đến giờ, chỉ làm thơ con cóc, chứ đâu viết lách gì, nhưng vì không có ai nhận đề tài nuôi trồng thủy sản, nên tôi mạnh dạn xung phong.

Buổi trưa. Không khí nóng nực của những ngày giữa tháng ba như làm cho phòng ăn của UBND huyện thêm chật chội. Chúng tôi vừa dùng bữa vừa tranh thủ làm quen, trao đổi danh thiếp, số điện thoại và thảo luận về những mảng mà mỗi người dự tính sẽ viết. Theo đúng chương trình, sau khi dùng bữa trưa, toàn đoàn sẽ lướt qua các đích đến đã dự tính để các tác giả định hình và lựa chọn thêm hay thay đổi đề tài nếu thấy phù hợp.

Từ thị trấn qua cửa Định An, tới Hàm Giang rồi lại vòng sang Lưu Nghiệp Anh… Trên đường đi, đoàn ghé vào tham quan di tích Ốc Eo. Sau đó thì đến thăm nhà máy đường Trà Vinh. Giám đốc Hòa ân cần tiếp đón. Chỉ cần vài phút tiếp xúc ngắn gọn, anh đã trình bày bật lên quan điểm và cách làm ăn năng động của tập thể Ban lãnh đạo Nhà máy. Cũng không cần phải dài dòng, vì đâu phải ngẫu nhiên mà khi nhiều doanh nghiệp mía đường lao đao, thì doanh nghiệp này vẫn là lá cờ đầu của ngành trong khu vực và góp phần không nhỏ ổn định điều kiện kinh tế-xã hội cho bà con nông dân nơi đây. Anh Hòa còn phân công người dẫn chúng tôi tìm hiểu một số công đoạn sản xuất kinh doanh của nhà máy.

Điểm dừng cuối cùng chiều hôm ấy là tại Chùa Giồng Lớn, tiếng Khơ-me gọi là chùa Nodol (còn có tên dân giã khác mà du khách đặt là Chùa Cò). Đến đây nhóm nhóm bắt đầu tụ lại, chuyện trò nở như pháo rang. Những mẩu chuyện về chùa chiền, về đất lành chim đậu, về mảnh đất và con người nơi đây lần lượt được điểm qua. Anh Ngọc Hiệp còn ứng khẩu hai câu lục bát để đùa anh Tường Bá, một cây viết quen thuộc của độc giả tập san Văn nghệ Trà Vinh. Tôi xin phép trích ra đây, mong anh đừng giận:
“Hình như em bị dính bùa
Nên theo Tường Bá vô chùa xem chim”.
Quả là không chỉ có cò! Khu vực chùa còn là nơi họp mặt của một vài loài chim khác như bồ câu, cồng cộc... “Đi xem cò nhớ che mặt và nhất là đừng há miệng”, tôi nghe mà không kịp nhìn xem ai đó vừa nói đùa mà cũng lại là nói thật. Không khí làng quê yên ả, trong lành càng làm cho lòng thêm thư thái.

Buổi tối hôm ấy mới thật đáng nhớ. Sau bữa cơm chiều thịnh soạn, các anh ở huyện bố trí một dàn nhạc cụ, âm thanh dành cho đêm giao lưu và một vài cây văn nghệ phục vụ. Khách làng văn đâu chỉ biết vẽ tranh, làm thơ, cũng có những người hát hay, đàn giỏi. Chủ và khách như không còn ranh giới phân cách. Ai nấy đều vui vẻ và tích cực tham gia, không phải để thể hiện mình mà đơn giản chỉ là muốn đóng góp cho không khí vui chung. Những câu hát, điệu múa dân tộc Khơ-me, những làn điệu dân ca, cải lương và đặc biệt là những bài thơ của các tác giả đang có mặt đã được các nhạc sĩ có tên tuổi phổ nhạc, hay những bài thơ ứng tác nóng hổi liên tục được trình bày.

Sáng hôm sau, dự tính sẽ đi Đôn Châu liền, nhưng anh Lê Tân nói anh cũng xuống cơ sở cách mạng ngày trước là chùa Giác Ngộ gần đó, vì thế chúng tôi cậy nhờ anh xa giá và chị em tôi nhóm cùng các cây viết Vĩnh Long và chị Lập Em tháp tùng anh. Chùa Giác Ngộ rộng 20 ha, tọa lạc trên địa phận ấp Xa Vang, xã Đôn Châu. Sư thầy Thích Tâm Thọ có tục danh rất ấn tượng là Kiên Văn Cường vừa đi đám về tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo. Thầy kể cho nghe cuộc đời và công đức của các vị tiền bối như Thượng tọa Thích Thiện Hồng, tục danh Tô Văn Ngỡi hay còn gọi là Cả Ngỡi, người đã hiến đất và sáng lập chùa; Thượng tọa Thích Thiện Ý, tục danh Võ Văn Cương, người kế vị và tiếp tục truyền thống. Chúng tôi cũng được đọc bản thành tích nuôi chứa cách mạng và bảo bọc thanh niên trốn quân dịch của Chùa. Những trang sử của Chi bộ xã Đôn Châu, cùng những tên tuổi gắn liền với phong trào cách mạng ở địa phương như ông Lê Phát Nhiều, Hồng Văn Lâu, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Trung Nguyên… như được hiện về qua lời kể của những nhân chứng sống là các ông Tô Văn Lính và Nguyễn Thành Chiêu. Chúng tôi vừa nghe chuyện vừa nhấm nháp trái cây do nhà chùa hiếu khách mang ra.

Đích đến tiếp theo của nhóm là UBND xã. Đồng chí Bí thư Kiên Quân thay mặt Đảng ủy và Ủy ban ân cần tiếp chúng tôi. Tôi được giới thiệu đến gặp một gia đình nuôi tôm, vượt khó tiêu biểu để viết phóng sự theo như phân công từ trước nên lúc này không còn đi chung nữa. Khoảng 11 giờ 45, chúng tôi lại tập trung nhóm ăn trưa trong một quán ăn gần Ủy ban. Bữa ăn dành cho đoàn khách làng văn chỉ có đĩa tép ram, đĩa đậu xào và tô canh bầu đạm bạc, nhưng rất ấm cúng. Các anh ở xã rất nhiệt tình. Cả Bí thư, Chủ tịch, Trưởng ban Văn hóa–thông tin và Trưởng ban Nông nghiệp đều có mặt. Chỉ tiếc là nhóm còn tiếp tục hành trình nên không “tới bến” được mà đành phải xin khất mấy anh. Sau một ngày rưỡi hội họp, di chuyển và lấy tư liệu, anh chị em trong đoàn đều đói bụng và phấn khởi nên ai cũng ăn rất ngon miệng. Sau bữa trưa, tôi cùng chị Dạ Minh còn quay lại nhà người nuôi tôm giỏi để thu thập thêm thông tin cho bài viết của mình.

Qua một vòng khảo sát, dù thời gian chưa nhiều, nhưng chúng tôi đều có nhận định chung rằng tiềm năng của Trà Cú còn nhiều, đang cần đánh thức. Ngoài thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thì nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại, du lịch cũng đang mời gọi. Những ưu thế này càng có cơ sở vững chắc và chắc chắn phát huy tốt hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện đang từng bước được cải thiện.

Chúng tôi không quay trở lại đường cũ mà vòng xuống Duyên Hải trước khi trở về. Biển Ba Động thân tình như lòng người dân Trà Vinh mến khách. Sau hơn nửa giờ tắm biển thỏa thích thì bữa ăn ở biển có canh chua cá dứa và nước mắm rươi quả là ngon lành hơn bình thường rất nhiều. Màn đêm kéo đến như cũng nhanh hơn. Tiếp theo là tiết mục hóng gió, thưởng thức cảnh biển và ngắm trăng đêm. Chuyện của những cây viết có nói hàng giờ, hàng ngày hay cả tuần cũng không hết. Tối hôm đó, tôi khò một giấc thật ngon cho đến khi anh Quốc Thanh đánh thức dậy rủ ra biển ngắm mặt trời lên. Anh đã chọn một góc nhìn hợp lý, sẵn sàng để ghi lại vài tấm ảnh đẹp của bình minh.

Thật may mắn cho tôi được gặp gỡ và quen biết những cây viết chuyên nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long như: anh Lê Tân,

anh Hồ Tĩnh Tâm, chị Song Hảo, chị Nguyễn Lập Em, anh Văn Quốc Thanh... Các anh, các chị đã cho tôi những lời khuyên, những bài học bổ ích và nhiều kinh nghiệm của người cầm viết trong chuyến đi thực tế sáng tác lần này. Còn một người nữa, hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến là nhà thơ Tăng Hữu Thơ. Ông có việc phải quay về Trà Vinh ngay bữa đầu nên không đi theo nhóm xuống Đôn Châu cùng chúng tôi được. Nếu bạn yêu thơ nào chưa từng đọc thơ của Tăng Hữu Thơ thì chắc chắn đó cũng là một thiếu sót.
Tôi xin được phép dùng lòng biết ơn trân trọng thay cho lời kết của bài viết này. Cám ơn tất cả những tên đất, tên người nơi đây, trong đó có cả những người mà tôi quên nhắc trong bài viết hoặc chưa từng biết tên.
Trà Cú, ngày 17 tháng 03 năm 2006

Em về bên kia sông

thơ
Văn Quốc Thanh

Em cắn trái bòn bon
Chia đôi người một nửa
Ngày xưa anh thường lựa
Dấu răng khễnh phần mình.

Nay em về bên sông
Hai bờ chia nỗi nhớ
Chiều mưa bong bóng vỡ
Sấm sét đốt cháy lòng.

Tháng tám thôi mưa ngâu
Lũ về mùa nước ngập
Hiên nhà em mái thấp
Tiếng bìm bịp ngân dài .

Tháng chín bên song thưa
Bạc đầu anh tóc rối
Trái bòn bon vô tội
Đã nát tự bao giờ.

Còn đâu con nhện hoang
Chiều buồn giăng sợi nhớ
Lá vàng bay vướng nhợ
Dòng nước cuốn xa rồi.

Em về bên kia sông
Có hay dòng sông lở
Hai bờ sâu nỗi nhớ

Biết tìm em phương nào?

Mùa lũ

thơ
.
Biên giới quê em mùa lũ lớn
Nước ngập đồng sâu biệt cánh cò
Màu bông điên điển phù sa nhuộm
Ngôi nhà tốc mái đứng co ro.

Tàu chạy băng đồng trên đài lưới
Thăm nhà tránh lũ nép ven sông
Chiều xuống, buông neo nâng ly rượu
Gẫm nhìn thế sự chuyện đục trong.

Lột dép chân trần qua chợ Muống
Tên làng như chứa nỗi khát khao
Đôi bờ Miên-Việt chung dòng nước
Nghĩa nặng tình sâu tự thuở nào.

Tháng ngày trôi dạt theo con lũ
Bạn bè như thể nhánh sông xa
Có lúc thét gào, khi hung bạo
Qua cơn bão táp… vẫn hiền hòa.

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2007

Thơ em

thơ



Xưa em hay làm thơ
Người đời mang phổ nhạc
Bồng bềnh say câu hát
Trời xui mình thương nhau.

Lâu em không làm thơ
Đời anh thưa tiếng nhạc
Tóc em pha sợi bạc
Da anh cũng đồi mồi.

Một thuở ta xa nhau
Ru hời trong tiếng nhạc
Ôm đàn anh ngồi hát
Mênh mang câu chuyện buồn.

Lật lại trang thơ em
Lắng tìm sâu tiếng nhạc
Ôm đàn anh ngồi hát
À ơi… câu chuyện tình.

Lật lại trang thơ em
Bồi hồi xưa tiếng nhạc
Đôi bạn già ngồi hát
Nghêu ngao câu chuyện đời.

Ngõ cụt

truyện ngắn
Văn Quốc Thanh



Con Mén ngồi bên vệ đường đưa đôi tay bẩn lau nước mắt, thỉnh thoảng nhìn qua bên kia Quốc lộ theo dõi từng động tác của thằng anh.
Tôi hướng theo tầm nhìn của nó về phía ấy rồi tự hỏi không lẽ thằng Chí lại có mặt nơi nầy? Không thể người lại giống người đến thế. Tôi tháo đôi kính lau sạch nhìn kỹ lần nữa. Đúng thằng Chí rồi. Đích thực nó là thằng con trai của chị Út Trùm trong hẻm tôi. Hôm qua tôi còn thấy vợ chồng chị trau chuốt và nhởn nhơ ngoài bến tàu. Chồng chị tôi biết rành lắm, anh ấy là tài xế của một hãng xe du lịch rất nổi tiếng đã có vợ nhưng về sống chung như vợ chồng với chị trong xóm tôi từ mấy năm nay ai mà không biết. Chị làm hụi, anh chạy xe cuộc sống khá ổn định.
Tôi nhớ cách đây vài năm người chồng cũ của chị về ghé nhà tôi và có gởi lại ít quà nhờ trao lại cho bọn chúng-và chính tôi đưa tận tay thằng Chí. Không lẽ bọn trẻ không còn ở chung với chị. Vì bộn bề công việc nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Nghe đâu chị đã gởi một đứa về nội và một về ngoại. Chị thường nói như vậy mỗi khi trong xóm có ai hỏi. Nhưng biết đâu... Đời sống vốn có nhiều phức tạp kia mà.
Không còn nghi ngờ gì nữa tôi quyết định dừng xe theo dõi bọn trẻ.
Thằng Chí vẫn miệt mài trong đống rác, chiếc cù móc trên tay theo từng nhịp bổ vào trong mớ bùng nhùng dơ bẩn. Hộp mốp chứa cơm văn ra, hắn nhanh tay mở tung nắp. Mắt hắn sáng lên rồi nhìn dáo dác bọn trẻ chung quanh đang hì hục bươi bới. Hắn nhanh tay bốc vội chiếc đùi gà nham nhở quệch quạc vào vạt áo rồi cắm đầu chạy như ma đuổi. Em hắn, con Mén ngồi chờ đói ran cả ruột. Hắn đến bên em vỗ vỗ vào vai rồi dứ dứ đùi gà trước mặt cười hì hì. Theo phản xạ tự nhiên của cái đói con Mén chụp lấy ngồi nhai ngấu nghiến. Lúc đói nó không ý thức thẹn thùng. Khi gặm xong chiếc đùi gà hắn hí hửng nhìn chung quanh rồi bất chợt cúi gằm mặt xuống đất có lẽ hắn bắt gặp tôi đang nhìn chăm chú. Hắn tỏ ra ngượng nghịu. Vâng, ít ra con người cũng khác con vật ở lòng tự trọng, nhưng cái đói làm cho nó mất cảnh giác là có người đang theo dõi từng động tác ăn uống của mình. Tôi đến bên hắn bắt chuyện làm quen nhưng hắn vờ lơ nhìn ra chỗ khác. Tôi rào đón:
-Cháu là em thằng Chí ?
Con Mén tròn xoe mắt nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên và sợ sệt. Sợ, không phải vì tôi biết nó mà cái sợ của những người có tội . Có lẽ hắn tự hỏi tôi mất gì và anh nó có chôm chĩa của tôi không. Cứ vậy hắn hết nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lia mắt từ chân lên đầu. Có lúc hắn len lén nhìn qua bên kia Quốc lộ nơi anh nó đang cặm cụi bươi bới như ngầm mách :“hãy dọt lẹ có người đang theo dõi anh đó”.
Tôi trấn an:
-Thấy anh cháu quen quen chú hỏi thăm vậy thôi.
Con Mén lấy lại bình tĩnh, trả lời:
-Dạ, cháu là em của anh Chí. Sao chú biết anh của cháu, mà cháu xin thề với chú là chúng cháu chỉ đi móc bọc và lượm rác chứ không bao giờ trộm cắp của ai .
Tôi an ủi :
-Sao cháu lại nghĩ thế ?
-Tại vì ai thấy bọn cháu cũng nghĩ vậy.
Tôi vỗ về :
-Chú hỏi cháu phải trả lời thật nhé. Có phải cháu là con của chị Út Trùm trong khu xã hội không ?
Mén nhìn xuống đất trả lời tôi bằng giọng buồn buồn:
-Dạ, đúng vậy.
-Sao cháu không ở nhà mà đến đây nhặt rác?
-Anh em cháu phải tự kiếm sống. Bố dượng không muốn chúng cháu sống chung với họ.
Tôi phân trần :
-Nhưng nhà đó là của cha mẹ cháu kia mà, ít ra mẹ cháu cũng vì quyền lợi các cháu mà cho ở lại trong nhà chứ ?
Trường đời đã dạy cho chúng sớm ý thức về cuộc sống nên Mén tỏ ra am hiểu rành hơn trước tuổi như tôi tưởng:
-Lúc đầu cháu nghe bố dượng nói thế nhưng sau nầy ổng đi uống rượu về cự nự hoài là làm không đủ đưa cho mẹ nuôi con riêng. Anh Chí nghe vậy về mách với Nội, nhưng nhà Nội quá nghèo không thể cưu mang chúng cháu, bà Nội nói tùy bay tự lo liệu mà ăn ở, Nội già rồi chẳng giúp được gì nên bọn cháu phải bỏ nhà đi lang thang kiếm sống.
-Ba cháu không gởi tiền và về thăm các cháu, à?
Đôi mắt Mén đượm buồn nhìn về phía xa xăm như dò tìm một điều gì trong ký ức. Biết khơi lại chuyện đau thương của bọn trẻ trong lúc nầy là điều không nên nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn tìm hiểu. Trong đầu tôi lại văng vẵng những câu nguyền rủa ngày nào ở những năm về trước từ căn nhà cuối hẻm. Hình ảnh chiều chiều có một chiếc xe lội đạp loạng choạng chạy ngang được điều khiển bởi một người nực nồng men rượu. Và một người đàn bà ăn bận xốc xếch trên tay lưa thưa những tờ vé số. Cái căn nhà tồi tàn cuối hẻm như một trạm truyền thanh sẵn sàng phát ra những câu tru tréo và những lời đay nghiến. Họ sống như thể không biết xóm giềng là gì hễ có chuyện là gây gổ, là tha hồ tuôn ra những ngôn từ tục tĩu, là thản nhiên bươi bới những cái xấu của nhau ra cho mọi người cùng biết, họ cũng không từ những chuyện riêng tư tế nhị chỉ có vợ chồng họ mới biết. Căn nhà ấy như một hỏa diềm sơn mà bọn trẻ hồn nhiên sống trên sức nóng không dừng do cha mẹ chúng mỗi ngày nung thêm nhiệt độ. Rồi bỗng nhiên người đàn ông nát rượu đó biến mất và trong xóm tôi có một người đàn ông lạ ăn bận tươm tất xuất hiện. Người đàn bà bán vé số dạo kia cũng không còn tuềnh toàng như trước. Căn nhà chị đang ở mỗi ngày khang trang hơn. Cho đến một hôm tình cờ trong quán cà phê anh cất lời hỏi thăm tôi :“khỏe không ông bạn cùng xóm”. Từ ấy tôi mới gián tiếp biết rằng căn nhà cuối xóm đã đổi chủ . Và hôm nay tình cờ tôi lại gặp những người con của họ.
-Cháu lên thành phố lâu chưa?- tôi hỏi.
-Dạ, vài tháng.
-Hiện giờ chúng cháu ở đâu?
-Ngày thì bãi rác, tối gặp đâu ngũ đó.
-Nhở lúc đau ốm bịnh tật tính sao?
-Lúc nầy đã bịnh rồi đâu còn chờ đợi đến hôm nào nửa mới bịnh hả chú ?
-Cháu nói sao ? Mà chúng cháu đang mang bệnh gì trong người?
Qua câu chuyện tôi được biết thằng Chí đang bị nhiễm một căn bệnh quái ác nhất của thời đại chúng ta ngày nay. Dù rằng cái tuổi mười ba của nó không biết quan hệ tình dục là gì và hắn cũng chưa bao giờ dám hửi hít xì ke ma túy. Nó nhát lắm hễ thấy ống tiêm thuốc là són ra cả quần chứ đừng nói chi đưa tay cho người ta tiêm chích. Câu chuyện nhiễm bệnh của thằng Chí nghe thật đau lòng. Một hôm hắn bươi trong đống rác bắt gặp một bọc giấy gói kín không biết bên trong chứa gì, máu tham trỗi dậy hắn khom người giấu kín bọc giấy vào người rồi vẹt dạt bọn trẻ chung quanh chạy miết. Mấy đứa lớn nghi thằng Chí vô mánh bắt được của nên bám riết đuổi theo. Thằng Chí ném bọc giấy vào bụi rậm. Mấy đứa kia không tài nào phát hiện thế là bọn chúng xúm lại tra khảo thằng nhỏ. Lúc đuổi theo thằng Chí, thằng trọc đầu lớn nhất trong đám bụi đời sống trên bãi rácvừa nhặt một ống chích thuốc có tra sẵn cây kim nhọn hoắt, khi túm được cổ áo thằng Chí, tiện tay hắn lụi thẳng vào đùi thằng Chí một nhát. Vết thương không có gì quan trọng nhưng đủ làm thằng Chí đau buốt và sợ sệt hắn đành phải chỉ gói giấy thế là cả bọn xúm lại giành giựt, mở ra. Trớ trêu thay bên trong chỉ là một miếng băng vệ sinh bầy hầy. Tức mình thằng đầu trôc nện thêm mấy đấm nữa mới chịu buông tha.
Trận đòn làm thằng Chí ê ẩm cả người nằm mẹp một chỗ, con Mén thay anh đi lang thang khắp quán xá trong thành phố gom cơm thừa canh cặn mang về nuôi anh, lần hồi sức khỏe của thằng Chí cũng tốt, nhưng than ôi ! Qua cuộc xét nghiệm, bệnh viện cho biết máu hắn dương tính thế là trong người hắn đang mang mầm bệnh Aids, một căn bệnh nguy hiểm nhất của nhân loại. Có lẽ mũi kim oan nghiệt trên tay thằng đầu trọc lượm từ đống rác đã bị nhiễm HIV.
Con Mén tuổi chớm dậy thì làm sao tránh khỏi những cặp mắt thèm thuồng dòm ngó đầy thú tính của bon bụi đời sống lang thang đầu đường xó chợ. Điều bất ngờ và bất hạnh lại ập đến cuộc đời của nó là chính tên đầu trọc đánh thằng anh rồi cưỡng bức luôn cả đứa em.
Con Mén kể cho tôi nghe nhiều lắm, nhưng tôi không muốn hỏi gì thêm. Cha nó giờ sống ra sao tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết mẹ nó đang sống trong nhung lụa với người chồng hờ ở cuối hẻm và không bận tâm đến những giọt máu mình tạo ra. Còn anh em nó chẳng biết trôi dạt về đâu trên cuộc đời nầy?
VQT