Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2007

Tóc thề trong mưa

thơ
Van Quoc Thanh

Bỗng dưng mưa đổ bên thềm
Hoen đôi mắt ướt theo em tan trường
Chỉ trời mưa dệt sợi thương
Ta mang nối lại tìm đường sang sông
Trời thương bắt nhịp cầu vồng
Giúp người khác họ phải lòng tìm nhau
Dẫu không là mối tình đầu
Em đừng cởi áo qua cầu gió bay
Vô tình sợi tóc vướng tay
Ngỡ rằng con gái gió lay tóc thề
Trời sinh ta lỡ ngô nghê
Đuổi hoài theo mái tóc thề trú mưa.

Bến xưa

thơ :
Văn Quốc Thanh


Một chiều qua bến bắc
Sóng Cổ Chiên dâng đầy
Tình yêu như thức dậy
Người thương ơi có hay?

Tiếc hoài xưa bên em
Lời yêu không dám ngỏ
Để tình bay theo gió
Đuổi hoài với tháng năm.

Chiều nay qua bến bắc
Người xưa đâu mất rồi?
Nhập nhòa con sóng vỗ
Hững hờ lục bình trôi.

Dương Thanh Thanh giới thiệu thơ “Mẹ xem tin lũ” của Văn Quốc Thanh

Dương Thanh Thanh
giới thiệu
Mẹ xem tin lũ
thơ của
Văn Quốc Thanh

Văn Quốc Thanh là một người viết bút ký khá quen thuộc của Tạp chí Văn nghệ Cửu Long. Tên anh cũng xuất hiện dưới một số bài thơ dễ thương, duyên dáng mới nghe tên đã thấy tình như "Nhặt tóc thả diều ", "Tìm em người sơn nữ " . Hay bài thơ Em về bên kia sông đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội gần đây nói về cuộc chia tay đầy nhung nhớ trong mùa mưa lũ của một đôi bạn trẻ. Đôi lúc tôi băn khoăn không biết gọi Văn Quốc Thanh là nhà thơ hay là nhà văn? Và thật sự anh thích thể loại nào hơn? Đọc “Mẹ xem tin lũ”, dường như đã có câu trả lời, có lẽ anh đã bộc lộ rõ sở trường của mình. Hay nói đúng hơn, anh đã vận dụng nhuần nhuyển “con mắt’ của người viết ký nhạy bén, tinh tường vào một bài thơ tường thuật đầy xúc cảm. Mấy câu thơ mở đầu, như mở đầu một thiên ký sự:

Giờ thời sự Mẹ qua nhà hàng xóm
Trên màn hình lũ xoá một vùng quê
Đồi trọc, rừng thưa Không ngăn nỗi lũ về
Tiếng gào thét như nghiêng trời xé gió.

Chuyện về một bà mẹ nghèo, đơn độc đi xem nhờ truyền hình nhà hàng xóm. Nhưng mẹ không đi xem cải lương! Mẹ hóng giờ thời sự để đi xem tin lũ! Tôi dùng từ "hóng" vì có lẽ cái cảm giác khắc khoải thắt thỏm đợi chờ mà Văn Quốc Thanh muốn diễn tả. Một chi tiết ngỡ tầm thường mà lại rất đắt để mở đầu một bút ký về tình người thoáng chút phê phán sự vô tình đến nỗi vô tâm của con người với thiên nhiên.
Ai đã từng ngồi trước màn hình tivi những ngày bảo lũ, thắt ruột gan nhìn cảnh “Mưa điên cuồng trút nước xuống trần gian. Cửa nhà trôi lũ quét bạo tàn”, hẳn sẽ đồng cảm với Mẹ, với “Đôi má hóp hom hem lệ nhỏ. Mẹ lao lên về phía truyền hình”. Không còn phân biệt được thực, hư; trước mắt mẹ là vạn kiếp sinh linh đang dập vùi trong cái chết. Mẹ muốn cứu người. Mẹ cần phải cứu người! Câu thơ “Mẹ lao lên về phía truyền hình” lặp lại hai lần, đọng lại trong lòng người đọc một ánh mắt thất thần, một dáng vẽ “ngơ ngác” khi mẹ đã bất lực. “Đồi trọc, rừng thưa không ngăn nỗi lũ về”, như đôi tay mẹ bấu chặt màn hình, cảm nhận được dòng nước xoáy, cảm nhận được cái chết từng giây, từng phút xoá dần sự sống, nhưng mẹ bất lực. “Phút căng thẳng mẹ ngây ra ngờ nghệt”. Tác giả vẽ chân dung mẹ trong khoảnh khắc ấy mới chân thực làm sao! Tôi muốn mở một cái ngoặc nhỏ nói thêm về ý tứ đầy trách nhiệm công dân của Văn Quốc Thanh. Một ý tứ thật sâu, thật thấm mà chỉ như vô tình thoáng qua, vô tình nhắc tới ở câu thơ "Rừng trọc, đồi thưa không ngăn được lũ về" mẹ muốn cứu người, mẹ tuyệt vọng dùng đôi tay gầy guộc níu giữ sự sống trong khi chính sự sống ấy một phần do bàn tay con người hủy hoại
Bài thơ tả thực ở phần đầu với một cảm xúc nghiêng vể tự sự - cách viết rất khó diễn tả hết cảm xúc của nhà thơ, cũng như rất khó để tạo sự đồng cảm ở người đọc.
Văn Quốc Thanh đã làm được diều “rất khó” ấy một cách bình dị. Bình dị như các câu thơ anh viết ra là sự thực không cần tô vẽ, không cần dụng công.
Đến những câu thơ tiếp theo thì mạch thơ đã chuyễn đổi. Không còn tiếng gào thét của mưa rơi, lũ cuốn. Tivi, có lẽ đã tắt rồi. Mẹ về nhà, một mình, lặng lẽ. đêm thì tối và ngoài kia, bầu trời yên tĩnh.

Bão táp qua đi, Mẹ đến bàn thờ
Cây nhang cháy biết ai người thân thuộc
Thôi, mẹ đốt cho miền Trung núm ruột
Chút khói hương sưởi ấm lòng người.


Đọc bài thơ này tôi tự hỏi Nhà thơ có nghĩ đến “Văn tế thập loại chúng sinh” khi viết mấy câu thơ? Mẹ có biết Nguyễn Du cũng đã từng khóc trước muôn vàn sinh linh, dù “không biết ai người thân thuộc”?

Thôi mẹ đốt cho miền Trung núm ruột
Chút khói hưng sưởi ấm lòng người.

Cái chắt lưỡi xót xa của mẹ trước bàn thờ, dường như đã quá đủ cho một hình dung về cái gọi là “chủ nghĩa nhân văn” trong đạo lý dân tộc - dường như cũng đủ là “ấm lòng" những ai đã mất, những ai còn sống sót qua bão dông. Thế nhưng với mẹ, thì sự đồng cảm đến từng nhịp thở, sự đau đớn đến từng nếp nhăn trên “đôi má hóp hom hem” ấy, vẫn chưa thể khiến mẹ nguôi ngoai:

Nhà dột nát thân gầy như que củi
Sợi tóc bạc phơ rũ xuống lưng còn
Va li rách còn dăm ba tiền lẻ
Bàn tay run gom lại từng đồng
Miếng khi đói…ôi tấm lòng của mẹ
Có gì hơn ngoài cuộc sống long đong?

“Ngoài cuộc sống long đong" ấy là một tấm lòng! Mẹ nghèo. Mẹ ít học nhưng mẹ thuộc nằm lòng lời dạy của cha ông “miếng khi đói bằng gói khi no”. Mẹ biến bài học ấy thành một triết lý sống của cả một đời, ở bàn tay run gom lại từng đồng…Nhà thơ tả chân thực chiếc va li rách, nhà thơ không giấu che tấm thân mẹ gầy như que củi"… Mà sao, trước mắt mọi người lại hiện ra một hình tượng tuyệt đẹp - của tình người, của lòng nhân ái? Và gì nữa. tôi hình dung một chiếc lá. Chiếc lá ấy không lành lặn. Chiếc lá ấy sắp rời cành. Nhưng trong từng thớ lá vẫn rung lên nhịp đập mãnh liệt của một trái tim chỉ muốn bao trùm “vạn kiếp sinh linh” trên cuộc đời này. “Lá lành đùm lá rách”. Nhân dân ta nói thế. “Lá rách ít bọc lá rách nhiều”. Nhân dân cũng nói thế. Mẹ là chiếc lá rách nhiều, nhưng, chiếc lá ấy bọc trái tim vàng!


Tôi biết, tôi đã không thể diễn tả hết những điều tác giả tâm đắc, cũng như không phân tích tận cùng cái hay của bài thơ ẩn giấu đằng sau những câu chữ có vẻ bình dị ấy. Tôi chỉ nói được những gì mình rung động…vì quà thật, khi chọn giới thiệu bài thơ này, tôi đã có những lý do rất riêng tư. Bài thơ đối với tôi có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là vào những ngày này, hàng đêm trên Ti vi, chương trình thời sự khắc khoải báo tin lũ lớn đang tràn về…Nó làm sống lại trong tôi cảm giác thắt thỏm, tưởng cháy cả ruột gan khi chính tôi…vâng chính tôi cũng đã từng, hàng đêm ngồi trước màn hình, hóng giờ thời sự để xem tin lũ ở miền Trung, ở Huế quê tôi những ngày tang tóc trong cơn lũ Thế kỷ cuối 1999 - Thời điểm anh Văn Quốc Thanh sáng tác bài thơ.


Cám ơn Văn Quốc Thanh, cám ơn bài thơ…và cám ơn Mẹ đã chia sẻ bao nỗi niềm.

Tháng 9/2001
Dương Thanh Thanh (phó GĐ Thư viện KHTH Vĩnh Long)

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2007

Goá phụ

nhà thơ Song Hảo

Anh đi qua đời em
Những mùa bão giông nghiệt ngã
Một mình em trong cơn thác lũ
Tìm bàn tay anh bám víu sẻ chia.

Thời gian năm tháng cách xa
Anh như chiếc bóng đổ dài theo quá khứ
Lạnh căm không khóc không cười
Vô tư tội nghiệp.
Ngày của hôm qua đã mất
Hoàng hôn rũ xuống đời nhau.

Đôi lúc
Em giật mình thức giữa đêm sâu
Thèm một nụ hôn nồng ấm
Chợt thảng thốt
Khi tay em chạm vào khoảng trống
Chỉ có em và hư vô.

Không biết tự bao giờ
Em đã thành góa phụ
Trong ngôi nhà luôn có anh.

Trại sáng tác Tam Đảo
Tháng 9 năm 2002



Thứ Năm, 1 tháng 2, 2007

Con dã tràng

thơ

Văn Quốc Thanh

Anh bắt tặng em con dã tràng
Để thay anh về biển Đông xe cát
Nhưng sáng nay bên bờ biển xanh bát ngát
Con dã tràng trốn xuống hang sâu
Ôi! Con dã tràng có tội gì đâu?
Mà hai đứa đào hang tìm nó
Câu hỏi ấy chính anh không hiểu rõ
Mà tay cứ chạm tay và đầu cũng gần đầu
Gió vô tình tóc quyện vào nhau
Con chim biển ngập ngừng quên vỗ cánh
Trời hong nắng trên triền cát lạnh
Sóng thì thầm muôn tiếng gọi vô biên
Và con dã tràng vẫn được bình yên
Tặng em đó, nhưng anh không tặng
lâu đài của nó
Em ơi !

Giới thiệu tác phẩm:Ngôi mộ không hài cốt của VQT

Ngọc Hiệp
**********

Đọc bài ký Ngôi mộ không hài cốt của tác giả Văn Quốc Thanh

Trước đây, đọc giả của tạp chí Văn Nghệ Cửu Long đã biết tác giả Văn Quốc Thanh qua những bài thơ : Con dã tràng, Mẹ xem tin lũ, Em về bên kia sông (Bài thơ nầy đã được Tín Đức và Quang Minh phổ nhạc) …và một số bài ký khác. Anh tham gia viết bút ký vào những năm gần đây. Sau một thời gian ngắn có lẽ anh đã làm cho đọc giả tỉnh nhà bất ngờ với bài ký “Ngôi mộ không hài cốt”.
Khi đọc bài Bút ký “Ngôi mộ không hài cốt” đăng trên tạp chí Văn Nghệ Cửu Long số Xuân Nhâm Ngọ (2002), tôi có ngay ý định viết đôi dòng nhận xét, vì tôi không thể nào giấu nhẹm cảm xúc tự lòng mình. Trong cảm nhận đầu tiên của tôi, đọc giả biết anh qua thơ và tiểu phẩm nhiều hơn, vậy mà anh viết bài nầy gây xúc động cho người xem. Nội dung câu chuyện đã khiến tôi ngậm ngùi cho số phận con người sống trên quê hương đã một thời chìm đắm trong khói lửa chiến tranh.
Bài ký là câu chuyện có thật của gia đình anh, một câu chuyện vô cùng cảm động.
Hai mẹ con trở về vùng quê cũ tìm mộ của người con đã hy sinh trong chiến tranh. Quá trình đi tìm rất gian nan vì sau chiến tranh không còn dấu tích. Sau cùng, những người con bày trò làm mộ giả để gạt mẹ mong bà được yên lòng. Sự yên lòng ấy cũng giả tạo. Nó trở thành mặc cảm tội lỗi trong lòng những đứa con còn sống sau chiến tranh. Nhưng với một người không có nghề nghiệp văn chương thì chuyện lòng chỉ lặng lẽ tồn tại gây đau nhói tim mình, không thể dùng ngòi bút để bày tỏ cùng ai. Anh Thanh lại có khả năng dùng văn chương để thoả nhu cầu bộc lộ của chính mình. Hơn thế nữa, chi tiết trong câu chuyện rất phổ biến so với hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Từ đó, nó trở thành câu chuyện điển hình có nhân vật điển hình.
Từ chuyến hành hương về quê tìm mộ anh mình là Văn Công Tấn, kết hợp chuyến đi trại sáng tác ở Hà Nội đã giúp cho tác giả vượt qua được lối mòn của chính mình.
Trải qua mấy thời kỳ chiến tranh, đất nước có những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự anh hùng không phải ở hình thức đeo huy chương đỏ ngực. Anh hùng ở chỗ con người cùng chia sẽ nỗi đau, coi nỗi đau của quê hương là nỗi đau của bản thân mình. Đối với dân tộc chúng ta, chịu thương, chịu khó giải quyết hậu quả chiến tranh mới thật anh hùng. Văn Quốc Thanh đã cho người mẹ xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện. Nhân vật bà mẹ lại bừng lên một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời anh. Vì hoàn cảnh chiến tranh, người mẹ đã xa quê, xa những đứa con đã ra đi vĩnh viễn để đem lại sự bình yên cho Tổ quốc. Thoạt tiên, người nào xem bài bút ký nầy của Văn Quốc Thanh, đều nhìn ra được một chân dung bà mẹ mộc mạc, quê mùa. Điều đó chứng tỏ thế hệ của mẹ sống là giai đoạn đất nước còn nghèo nàn lạc hậu, chiến tranh triền miên, phương tiện đi lại không như bây giờ. Người viết dẫn truyện có bản lĩnh. Anh đã giấu đi cái nỗi đau trong lòng câu chuyện (như nén lại nỗi đau trong lòng mình để vui sống với mọi người). Hình ảnh hai mẹ con xuất hiện và bình thản đưa ta về với một vùng quê máu lửa. Nơi ấy cũng có những người cha, người mẹ từng tìm kiếm những đứa con đã hoà máu xương vào lòng quê hương xứ sở.
Tính cách của mẹ sợ mất đi những “báu vật” không có giá trị vật chất. Nhưng tôi thấy “báu vật” của nhân vật bà mẹ lớn quá. Nó là cả một tình cảm bao la đối với xóm làng, xứ sở. Không chỉ vậy đâu, tình cảm đó còn tiềm ẩn tình quê hương đầy dân tộc tính. Tác giả (nhân vật tôi trong bài ký) phân bua với người chung quanh về sự lẩm cẩm của mẹ mình chẳng qua để tự hào tính dân tộc, giàu tình cảm quê hương của mẹ anh:
-Mấy bà lẩm cẩm vậy đó. Trong giỏ có gì đáng giá ngoài chai rượu thuốc gia truyền nhức mõi và ít lít mật ong làm quà cho bà con lối xóm…
Với cái ý “làm quà cho bà con lối xóm…” đã làm cho món quà của mẹ trở thành vô giá.
Trong đời thường, chuyện người ta đi xa về có chút quà bản xứ cho nhau diễn ra hết sức bình thường, bình thường đến độ không ai còn chú ý cho việc tặng quà cho nhau là đặc biệt. Nhưng trong món quà mộc mạc của mẹ anh lại chứa đựng tình người.

Ngay từ đầu, anh đã khẳng định chủ đề tư tưởng cho bài viết của mình. Anh mượn câu chuyện “Ngôi mộ không hài cốt” để nói về một người mẹ Việt Nam không thể nhầm lẫn ai khác.
Đầu bài bút ký, tác giả đã phác thảo chân dung người mẹ hết sức đời thường nhưng lại tiềm ẩn dáng dấp của một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến đoạn văn thứ ba, anh dành thời gian khơi lại hồi ức tạm lắng sau chiến tranh. Đoạn nầy thường làm cho người xem dễ nhàm chán vì tính tự sự dài dòng bởi những địa chỉ của những người trong cuộc. Thế nhưng tôi không thể xếp lại quyển Tạp chí Văn Nghệ Cửu Long. Tôi nghĩ, liệu anh có tìm thấy người liệt sĩ đang nằm yên trong vùng đất nào đó.
Đi tìm một căn nhà không có địa chỉ đã khó, đàng nầy những nhân vật của anh lại đi tìm một nấm mồ không địa chỉ. Từ đó, hi vọng tìm được nấm mồ trở thành những hy vọng mong manh rồi tắt ngấm.
Khi mẹ không tìm được xác con mình sau chiến tranh còn là một nỗi đau lớn, coi như vết thương chiến tranh còn khắc sâu lên những người đang sống. Từ đó những thành viên trong gia đình đều lao vào công cuộc tìm kiếm bất chấp gian khó hiểm nguy. Trong lúc người cha bới tìm xác con vì muốn xoa dịu vết thương chiến tranh hằn lên người mẹ, vô tình bới lên nỗi đau người khác qua hình ảnh một cụ già xuất hiện và kêu gào:
“Trời ơi! Là trời! Ai thất nhơn ác đức phá mộ cháu tôi vậy nè!”
Tác giả đã khéo léo diễn tả một vùng quê có nỗi đau nầy đan chéo nỗi đau kia. Nhưng cuối cùng, tình dân tộc đã xoa dịu hết mọi nỗi đau.
Nhân vật cụ già vừa gào thét kia lại đứng lâm râm khấn vái:
“Nam mô a di đà phật. Tôi, Nguyễn Văn Hớn vái lạy Thần linh, Thổ địa có linh thiêng thì chỉ đường cho liệt sĩ Văn Công Tấn về sum họp với gia đình”.
Một lời vái thay lời tha thứ lỗi đầy tình dân tộc, một dân tộc bao dung rộng lượng và luôn chia sẻ nỗi đau cùng quê hương xứ sở.
Nhưng cuối cùng, vẫn không thể tìm được nơi chôn tạm liệt sĩ Văn Công Tấn, thương mẹ, những đứa con bèn lén làm mộ giả để mẹ được yên lòng.Với chi tiết ngôi mộ giả trong bài bài ký tác giả đã “thắt nút” vấn đề vô cùng phức tạp:
Chúng tôi đốt cháy một trái dừa khô và ít cành cây mục cho vào quách giả làm cốt, phải khởi hành thật sớm để mọi người không biết…
Để chuẩn bị cho đoạn kết thúc bất ngờ, tác giả khai thác ngay chi tiết:
Cũng may, ngày dời mộ mẹ tôi không đòi đi theo…
Như chưa đủ yếu tố cho phần kết, Văn Quốc Thanh có một chi tiết đắc cách khi miêu tả ngày cải táng anh mình:
….Và bà muốn ngất xỉu khi nghe tôi thay mặt gia đình đọc bài tưởng niệm…
Có lẽ người đọc bình thường nào cũng nghĩ rằng sự xúc động đó là sự xúc động của một người mẹ tìm được xác con sau khi kết thúc chiến tranh. Nhờ đó, tác giả đã thành công ở cuối bài ký.
Có người bảo tôi: “Viết văn mà ca ngợi tình yêu quê hương sao mà mông lung quá! Khó viết lắm!”. Với Văn Quốc Thanh, những đoạn văn miêu tả sự kiện vừa qua đã làm cho lời nói kia vô nghĩa. Theo thiển ý của riêng tôi (không biết có chích xác hay không), giá như tác giả mạnh dạn bớt vài chi tiết nhỏ không tập trung phục vụ cho chủ đề chính, có lẽ bài ký vô cùng đậm đặc. Sự đậm đặc cần thiết cho người đọc khó quên hơn sau khi xếp tạp chí lại. Chẳng hạn bài điếu văn cải táng của nhân vật “tôi” dài có thể làm loãng đi cảm xúc. Tuy nhiên, bài ký nầy đã có một chủ đề, một nội dung thừa khả năng lấn lướt những chi tiết nhỏ không đắc cách. Điều đó được chứng minh trong đoạn kết. Tác giả kết thúc hết sức bất ngờ và cô đọng qua lá thư người mẹ giấu tận đáy rương. Lá thư đó ngầm nói người mẹ giấu nhẹm nỗi đau tận đáy lòng mình. Trong nội dung lá thư của người mẹ:

Tấn ơi, con linh thiêng hãy dẫn đường cho mẹ rước con về. Con còn nằm vất vưởng đâu đây thì đau lòng mẹ lắm. Mẹ biết tụi bay thương mẹ nên bày trò làm mộ giả…
Như mặc cảm tội lỗi về sự dối lừa anh viết lời kết thúc:
“Cầu mong…tôi không lấy nỗi đau của gia đình ra lừa dối mọi người…”
Chính những ý bất ngờ mà cô đọng đó đã làm cho đọc giả phân ranh trạng thái dối lừa. Trong cuộc sống, có những điều dối lừa đáng nguyền rũa, nhưng cũng có sự dối lừa để xoa dịu niềm đau. Có lẽ chúng ta nên lừa dối nỗi đau để nó không còn khả năng hành hạ con người.
Xếp Tạp chí Văn Nghệ Cửu Long lại, tôi nghe chừng như chuyện quê hương đang thẩm thấu vào tôi. Tôi quên mất những tỵ hiềm nhỏ nhoi ích kỹ của đời thường vốn ngổn ngang thiện ác.

Ngọc Hiệp




đọc thêm Ngọc Hiệp "Lai rai"... tâm sự


Con người và chiếc bóng

thơ
Văn Quốc Thanh

Có những đêm thiếu ánh đèn dầu
Căn phòng chật và bóng đêm dày đặc
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban mai
Mặt trời mọc chiếc đầu tôi đổ xuống.

Có những đêm dưới ánh đèn dầu
Vùng ánh sáng lẻ loi lạnh ngắt
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban trưa
Mặt trời ở đỉnh cao vời vợi
Chiếc đầu tôi lại ở dưới chân mình.

Có những đêm thức với đèn dầu
Cơn gió trêu người. Ngọn đèn khuya lắt lẻo
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi hoàng hôn
Mặt trời rơi vào bóng đêm u tịch.

Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta mãi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!
Rực rỡ phương Đông, bóng đổ trời Tây
Mặt trời càng cao bóng người càng nhỏ bé.