Thứ Ba, 23 tháng 1, 2007

Vùng biển lặng

truyện ngắn Văn Quốc Thanh

Với động tác quen thuộc, Biển cho tay vào túi quần tây rà lại khẩu colk-45 lần nữa rồi Lẩm bẩm “Đ.M tao sẽ bắn nát sọ thằng việt cộng nào vô phúc đến đây sinh sự. Hừ, giải phóng! Lũ chó chết chúng bay bảy ngày ăn chưa hết một chén cơm độn ở đó mà đi giải phóng, giải phiếc. Mấy thằng tướng xa lông chầu rìa kia để cả miền Trung và miền Nam rơi vào tay bọn bay chứ còn Sài Gòn nầy hả? Còn lâu mới chịu đầu hàng các con a !” .
Những tiếng gầm xé trời của động cơ phản lực từ phi trường Tân Sơn Nhất cất lên inh ỏi. Không khí Sài Gòn bấy giờ ngột ngạt, đầu óc mọi người căng thẳng, họ phập phồng lo sợ đủ thứ. Cảnh chết chóc trong chiến tranh làm họ mỏi mòn, họ chỉ còn mong đợi một ngày đổi mới cái chế độ mục nát nầy. Một số người có tiền lo tìm đường trốn chạy ra khỏi đất nước. Một số gia đình cơ sở cách mạng luôn bận rộn cho công tác nội thành. Riêng Biển, hắn cóc cần, cho đến giờ nầy hắn vẫn còn tin vào cái bóng ma của đội quân cộng hòa một cách khờ khạo, hắn cho rằng với đội quân “oai vệ” đó sẽ làm đảo ngược được tình thế.
Phải. Làm sao hắn không tin vào cái quân đội bù nhìn ấy. Khi ấy, ở cái tuổi lên mười đúng ra hắn phải được học hành đàng hoàng, đằng nầy đến một chữ vỡ lòng hắn cũng không hề biết. Quê hương của hắn là cái làng dở sống ,dở chết bởi những cơn mưa bom và những trận càn ác liệt. Hắn chứng kiến nhiều lần bọn lính thủy quân lục chiến bắt bớ dân lành đem về làng tra tấn và trong đó có ba của hắn. Có một lần hắn đã khóc sướt mướt đi sau sợi dây dù trói thúc ké ba hắn để lạy lục van xin bọn lính bớt đánh ba hắn. Hắn vẫn còn nhớ rõ như in khi thằng lính mặc áo rằn ri nện cho hắn một báng súng vào sườn vì hắn liều lĩnh lăn vào đở đòn cho ba. Sau khi hoàn hồn, nằm lăn quay trên nền xi-măng, Mặt mũi sưng vù, bên khóe mép một dòng máu rỉ ra và hắn lặng lẽ áp tai vào ngực người cha Như chờ đợi một lời trối trăng. Nhưng từ lồng ngực bao dung ấy đã không còn cái hơi ấm quen thuộc ngày nào. Điệu nhạc thình thịch của con tim không còn vỗ về cho nó đi vào giấc ngủ như thời thơ ấu, bấy giờ hắn không còn ngây ngô nữa. Hắn đủ lý trí để cảm nhận những gì sắp xảy ra. Mắt hắn tròn xoe nhìn thẳng vào thằng lính ngồiy chễm chệ phì phà điếu thuốc thơm cháy dỡ. Miệng hắn mấp máy những gì khống rõ. Đôi mắt hắn đỏ ngầu như muốn nói lên những gì trước cảnh đau thương phẫn nộ ấy. Hắn không khóc. Hắn lừ đừ nhìn thẳng vào mặt thằng lính man rợ đang xếp lại những cây ma-trắc để chuẩn bị điều tra những tên “việt cộng” khác.
Ba chết. Biển không về làng. Còn gì nữa mà về? Mẹ hắn đã bị sập hầm trong trận bom B-52 năm trước. Bà con hắn đã bỏ quê ra thành. Làng hắn xơ xác chỉ còn ít người bám trụ nên hắn không ở lại cậy nhờ với cái tình thương tội nghiệp của họ. Biển đã bỏ đi và hắn đã chọn con đừng binh nghiệp vào thời miệng còn hôi sữa mẹ. Hắn nghĩ rằng chỉ có lính mới tạo cho hắn trở thành “người hùng“ đúng nghĩa. Chỉ có lính mới có được thẩm quyền tự do đánh người không thương tiếc. Hắn không bận tâm phải trả thù ai, vì cái chết của ba hắn đã để lại trong lòng hắn bằng những hình ảnh điên cuồng đầy thú tính. Hắn ao ước có được điều kiện đánh người là đủ nhưng Biển đã thất vọng. Lần đầu tiên trong đời ra trận, chiếc miểng lựu đạn đã cướp mất của hắn một phần ánh sáng trong đôi mắt ấm lành. Cái cửa sổ của tâm hồn hắn đã khép lại, khuôn mặt hắn trở nên lì lợm bởi những vết thâm quầng loang lổ. Hắn như con voi trong thời sung sức nhất bị gãy mất một ngà, như người ta thường nói “nhất voi một ngà, nhì người ta một mắt” bấy giờ giữa đất Sài Gòn nầy dễ gì hắn chịu ngồi yên khi trong tay hắn đã có sẵn tấm bùa hộ mạng thương phế binh hạng nặng. Hắn muốn có tiền ư? Dễ ợt ! Chỉ cần vài quyển sách rẻ tiền hay dăm bản nhạc vàng hạng bét hắn sẽ ngang nhiên vào những ki-ốt sang trọng nhất trên đường Nguyễn Huệ để bán với giá tùy ý. Nếu ai không bằng lòng thì trái lựu đạn mi ni cài hờ trên ngực sẽ nhắc khéo họ điều ấy. Cứ vậy hắn ngang tàng sống ngoài vòng pháp luật. Mà pháp luật là cái quái gì để hắn phải sợ? Có một điều làm cho hắn sợ nhất là lúc trong túi không tiền. Với hắn, tiền là tất cả. Tiền là pháp luật. Do vậy hắn cần phải có bản lĩnh để ăn thua đủ với bọn có máu mặt nhất ở chợ Bến Thành và không hiểu bằng cách nào mà ai nấy khi nghe đến tên hắn cũng phải tránh né.
Trái pháo bất thần rơi gần vang lên chát chúa. Mọi người trong quán giải khát chạy toán loạn. Riêng Biển hắn không hề nao núng. Hắn lặng lẽ ngồi đó trầm ngâm nhả khói thuốc và bàn tay phải cho vào túi quần tây như thói quen vốn có. Đôi mắt giựt giựt liên hồi. Hắn nheo con mắt chột nhìn lên trời dõi theo tiếng ù ù của chiếc máy bay lên thẳng rồi văng tục “ Đ.M lại một lũ chó chết nữa trốn chạy. Hèn. Hèn tất cả. Tao không đi đâu hết. Tao ở lại đây cưa đối với việt cộng”. Biển đứng lên ngồi xuống nhiều lần. Đạn lên nòng. Hắn mở chốt an toàn khẩu Colt-45 chờ đợi. Một giờ ,hai giờ…
oOo

Đoàn xe tăng giải phóng hiên ngang tiến vào thành phố mỗi lúc một đông. Biển rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn những anh bộ đội hiền từ, giản dị trong bộ quân phục bạc màu, mặt lộ nét vui mừng vẫy tay chào đáp lại dòng người đông nghẹt đang chờ đón hai bên đường. Hình ảnh người cộng sản đã vượt ra sức tưởng tượng ghê gớm của Biển. Hắn không tin những người cộng sản hiền lành đang thấy và hắn cảm thấy tai mình nhột nhạt khi nghe những tiếng vang từ chiếc loa phóng thanh của đội thanh niên nội thành kêu gọi giao nộp vũ khí đầu hàng để được khoan hồng. Hắn lấy ngón tay trỏ đẩy nhẹ một góc của chiếc kính mát choáng gần hết khuôn mặt đen chùy, lì lợm. Miệng hắn làu bàu“ hừ, khoan hồng cái con c …láo. Láo tuốt!” Và hắn đứng phắt dậy vớI những bước đi vội vã về hướng nhà người tình cũ.
oOo
Cây sứ trước sân nhà Lệ đã đến mùa thay lá, những cành cụt ngủn như những cánh tay cùi nham nhở. Lối vào nhà rất đỗi thân quen, nhưng hôm nay với Biển có nhiều thay đổi lạ thường. Giàn hoa giấy trước ngõ lá rụng ngập lối vào chứng tỏ không có nguoi quét dọn. Biển đưa tay ngập ngừng định gõ cửa, nhưng hắn rụt tay lại. Ai hiểu hắn đang nghĩ gì ? Có lẽ hắn thắc mắc những gì đã xảy ra với Lệ khi việt cộng giải phóng Sài Gòn? Hắn tự hỏi sao Lệ lại bỏ nhà đi ? Lệ đi theo ai? Việt Cộng bắt Lệ đi cãi chăng ? Tự nhiên Biển cảm thấy buồn vô hạn. Cơn nhớ ngấm ngầm trong lòng làm cho hắn giàu tưởng tượng - chắc việt cộng sẽ lột sạch lớp da đầy son phấn của Lệ? Chắc họ dùng kiềm bấm rút hết móng tay cô? Nếu thật thế thì trên đời nầy còn gì nữa để hắn sống ? Còn ai chiều chuộng, thông cảm hắn? Tự nhiên hắn cảm thấy nhớ Lệ kỳ lạ.

Lệ, cô gái cách đây vài năm được hắn để ý đến sau lần hắn say mèm vừa bị bọn đàn em bỏ lại trong cuộc ẩu đả với bọn cảnh sát dã chiến. Ngày ấy, Lệ ân cần băng bó cho hắn những vết thương bị chém dọc ngang trên lưng và cũng chính ngày ấy hắn đã dành tất cả tình cảm còn lại cho Lệ. Thế mà giờ nầy Lệ đã mất rồi. Bỗng nhiên hắn cảm thấy mềm yếu trước sự trống vắng chưa từng có ấy. Hắn nhìn quanh ngôi nhà vắng một lúc rồi đứng lên, lấy ống quẹt ga lưỡng lự đưa gần mái lá với những ý nghĩ không lành. Có lẽ hắn định chôn vùi nơi đây một kỷ niệm đã qua? Nhưng không, những tiếng sột soạt bên ngoài làm hắn giật mình quay lại. Hắn mừng mừng, giận giận. Mừng vì gặp lại người tình, giận vì hắn đang đứng trước bước “đường cùng” của xã hội. Hắn không kiềm chế được sự giận hờn ghen tuông vô lý chợt đến :
-Cô lại bỏ nhà đi theo mấy thằng thanh niên ba phải, phải không ?
Lệ vẫn ôn tồn:
- Lâu rồi anh không về nhưng em vẫn đợi. Ở xã hội cũ mình là những nạn nhân, còn bây giờ…Lệ ngập ngừng.
- Bây giờ cô là cái giống chó gì ?
Trong lòng như kim châm lửa đốt, nhưng Lệ vẫn thản nhiên đè nén:
-Anh ạ, em tin tưởng chúng mình sẽ thoát được ra cảnh sống nhơ nhuốc nầy. Em định cùng anh…
Biển cắt ngang:
-Tôi đến đây buộc cô phải theo tôi. Cô nên nhớ cô là con đĩ, cô biết không ?
-Vâng, em là con đĩ và trong đó có anh là thằng điếm. Dù chúng ta thuộc thành phần nào đi nữa chúng ta cũng không nên tiếp tục đánh mất cuộc đời còn lại của mình.
- Còn gì nữa mà nuối tiếc? Hừ, vi trùng việt cộng lại tiêm nhiễm vào cô mau thế ư ? Ai mang đến cho cô những giấc mơ hão huyền đó?
Lệ vẫn ương ngạnh :
- Tại sao mình không có quyền ước mơ hả anh? Nếu là con đĩ thì nó cũng có quyền nghĩ đến ngày tàn của nó và nếu là thằng điếm, thằng bụi đời khốn nạn như anh, nó cũng có quyền mơ đến chút hạnh phúc trong góc đời còn sót lại của nó chư ? Lần đầu anh đến với em anh đã từng có những Giacc mơ hạnh phúc đẹp như thế, dù ngày ấy anh và em đang ở trong ngõ tối của cuộc đời, em không ngần ngại đến với anh là vậy. Anh Biển, em biết anh căm thù việt cộng lắm, nhưng anh nên nghĩ lại họ làm gì mà anh thù ghét? Gia đình anh tan nát do đâu? Ai giết cha mẹ anh ? Ai cướp của anh con mắt ấm lành ? Ai đẩy em vào con đường khốn nạn nầy? Ngày trước em cũng là một nữ sinh trường trung học có tiếng miền Tây, nhưng đùng một cái mẹ em mất trí, cha anh bị bọn lính bắt rồi biệt tích, em bị lừa lọc bởi những lời đường mật của bọn quan quyền nên cùng đường nhắm mắt đưa chân và quăn thân mình cho dòng đời đưa đẩy. Bây giờ hòa bình, anh không có quyền chấp nhận cảnh sống đã qua, mấy ngày nay em đi theo họ là vậy. Tuy tham gia quét dọn đường phố, nhưng em cảm thấy có một niềm vui thật sự. Hôm qua, mấy anh trên phường có vận động chúng ta đi vùng kinh tế mới, nếu anh bằng lòng thì sẽ được nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ. Anh nghĩ lại đi, mình ở đây gia sản chẳng có gì ngoài túp lều lá ộp ẹp và những bữa ăn tạm bợ do những đồng tiền không chính đáng mang về, bây giờ anh còn có sức lực được bọn đàn em kiêng nể cũng như em còn chút nhan sắc, nhỡ mai nầy một cơn bệnh nặng hoặc một tai nạn nào đó chẳng hạn thì an nghỉ sao?
Chưa bao giờ Biển cảm thấyy Lệ lý sự như thế. Hắn ngồi đó mặc cho Lệ nói, rồi gắt gỏng:
- Cô câm họng đi ! Đ.M con đĩ cũng đòi lên mặt dạy đời.
Lệ không chùn bước mà còn tỏ ra cương quyết:
-Tùy anh quyết định phần mình, tôi đã chọn con đường của tôi. Nghĩ cho cùng tôi và anh chẳng gì là của nhau cả. Vui thì đậu, buồn thì bay.
Thế là họ lại chia tay.
oOo

Hôm nay, Huy Bình không cho tài xế đến đón, anh muốn sau giờ tan sở sẽ cuốc bộ mộT mình cho thoải mái. Từ ngày về nhậm chức giám đốc nhà máy tôm đông lạnh đến nay công việc cứ rối bời. Phần lo cải tổ lại lề lối làm việc, phần đặt quan hệ ngoại giao với các xí nghiệp khác để có phương tiện đánh bắt hiệu quả hơn. Kỹ thuật ướp lạnh của nhà máy đang ở trình độ trung bình. Anh cần phải phấn đấu nhiều để đưa nhà máy vào quy trình làm ăn lớn hơn, do vậy anh không còn thời gian để nghĩ đến việc thành lập gia đình. Trong chiến tranh, một lần thương thầm nhớ trộm vì bản tính rụt rè anh không dám ngỏ lời tình tự nên để vụt khỏi tầm tay người anh vừa ý, bây giờ chợt nghĩ lại thì tóc đã điểm sương rồi.
Ngọn gió chiều mơn man thổi đến. Anh thong dong đi trong màu nắng xám xịt còn sót lại trong ngày. Anh bâng quơ nhớ lại cái nhìn ngỡ ngàng của cô công nhân trong phân xưởng đóng bao bì. Cái gì đã đến và làm anh suy nghĩ ? Anh dừng chân, nhíu mày, đắn đo rồi tiếp tục đi về hướng phân xưởng ấy. Anh xếp đặt những ý tưởng cần thiết để trực tiếp nói với Lệ. Những lần báo cáo trước hội nghị đông người không làm anh lúng túng, nhưng lần nầy chỉ một việc đơn giản nói chuyện với Lệ mà anh lại lúng túng quá. Anh tự trách mình không có cái duyên may. Anh vén tay áo nhìn đồng hồ dự đoán giờ nầy Lệ đã tan ca. Anh không muốn dùng địa vị của một giám đốc mời Lệ đến nói chuyện riêng. Anh nghĩ rằng trong tình yêu phải có sự chân thật và sòng phẳng. Anh không muốn về phòng tổ chức xem lại lý lịch riêng của Lệ vì cái khởi đầu đến với anh là tình yêu và con người cụ thể. Lệ là một công nhân của nhà máy chứ không là gì khác. Nếu trong tình yêu có sự so đo tính toán thì thà ở vậy tốt hơn. Bình nghĩ vậy, lúc ấy Lệ cũng tan ca. Anh hướng mắt về phía Lệ, hỏi vội:
-Lệ định về nhà hay ở lại nhà tập thể ?
Lệ cười tinh nghịch :
- Đố anh đó ?
- Tôi chịu. Bình trả lời.
Mấy cô gái đi cạnh cười khúc khích. Họ len lén đẩy Lệ lên phía trước hoặc đồng loạt lùi về sau.
-Cô thấy việc đánh bắt của xí nghiệp ta lúc nầy ra sao?
Lệ nhíu mày :
-Anh là giám đốc mà hỏi câu đó sao em trả lời được, lúc nầy ở phân xưởng em tôm đang ối lại nhiều, chứng tỏ các anh trong bộ phận ra khơi có nhiều thuận tiện.
Bình lại trách sao mình hỏi những câu vớ vẫn không đâu vào đâu cả. Họ đi bên nhau cho đến khi các bạn rẽ lối tự bao giờ. Nắng chiều đã tắt. Bình vụng về mời Lệ vào quán giải khát với vẻ dè dặt :
- Lệ ! Tôi có vài điều muốn nói với cô.
Lệ không nghĩ gì hơn ngoài thân phận của một cô công nhân với quãng đời đã qua không mấy tốt đẹp và đang ngồi trước một vị giám đốc đầy quyền uy. Lệ hồi hộp chờ đợi “chắc anh ấy đã rõ lý lịch của mình ? Tổ chức sắp sa thải mình chăng. Thế là không còn hi vọng ở lại đây làm việc. Mọi chuyện họ đã xếp đặt rồi. Lạy trời cơn bão táp đừng đến với tôi”.
Lâu lắm Lệ mới lên tiếng :
- Chắc anh đã rõ bọn em ?
- Nhân viên nhiều quá tôi không biết hết !
Lệ mỉa mai trong lòng “Tôi không rõ hết, nhưng riêng cô thì tôi rất rành”. Lệ nghe xốn xang trong lòng và cũng nhanh trấn an kịp - Mình không có quyền giận anh ấy, cái đó thuộc về nguyên tắc tổ chức, anh ấy ngại không muốn nói thẳng với mình, dù sao cũng còn chút tình cảm riêng tư nếu không thì chắc gì giờ nầy ảnh lại ngồi đây.
Lệ thăm dò :
-Anh Bình, anh nghĩ thế nào về em ?
Bình tỏ ra lúng túng, anh dí ngón chân vào cái tàng thuốc lá trên sàn nhà nát bét :
-Từ lâu rồi tôi muốn nói với Lệ điều ấy, nhưng tôi ngại. Lệ thấy đó, cho đến giờ nầy tôi vẫn ở vậy. Cha mẹ tôi nhiều lần khuyên tôi nên lập gia đình vì hai ông bà chỉ có mình tôi duy nhất.
Vậy là đã rõ. Bây giờ đến chuyện bất ngờ. Hết lo sợ. Lệ xoay cuộc gặp gỡ sang câu chuyện khác :
- Vừa rồi anh đi dự tổng kết sáng kiến kinh nghiệm trên tỉnh, xí nghiệp mình có đề tài nào khá không, anh ?
- Có. Nhưng so với các ngành khác thì còn khiêm tốn lắm. Bình mở cặp, lấy tờ báo, lật ra, chỉ :
-Trong số nầy có đề tài của xí nghiệp gốm là nổi bật nhất.
Lệ sửng sốt,nhìn chăm chăm vào ảnh người đăng trên trang báo cùng dòng chữ “Trần Biển, người công nhân lao động tiên tiến đã thành công đúc tượng bằng phương pháp ly tâm”.
Bình ngạc nhiên trước sự bàng hoàng của Lệ, anh bắt gặp đôi mắt Lệ như dán chặt vào con mắt chột của người trong ảnh, Bình khẽ hỏi:
- Cô quen với người ấy, à ?
- Anh cho em xin tờ báo nhé ? Có lẽ tuần sau em xin nghỉ phép vài hôm.
- Bình gật đâu. Anh thở dài thầm trách “mình đến muộn rồi”.
An Bình 1986

Không có nhận xét nào: