Thứ Tư, 21 tháng 3, 2007

Cảm nhận Hồi ký “Một chặng đường đời” của Lưu Kim Trang”


Văn Quốc Thanh


Ngày 8-3 đọc Hồi ký “Một chặng đường đời” của Lưu Kim Trang”



Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh lâu dài, dân tộc phải gánh nhiều đau thương mất mát. Xóm làng xơ xác. Con mất cha, vợ mất chồng, anh chị em ly tán, nhiều gia đình đã dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú đến giọt máu cuối cùng.
Đọc hồi ký “Một chặng đường đời” của tác giả Lưu Kim Trang, tôi thấy chị cùng chồng đã vượt qua rất nhiều thử thách, gặp muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn bền gan động viên nhau giữ vững niềm tin trong suốt chặng đường kháng chiến. Họ có phần may mắn cùng đồng đội trở về dầu thân thể không đựơc nguyên vẹn và tiếp bước phần đời còn lại, góp tay xây dựng đất nước ngày hậu chiến đang đối diện với bao ngổn ngang chồng chất.
Đối với các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng vô tận. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm âm nhạc, nhiều bộ phim đủ các thể loại, có rất nhiều thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết và các loại hình khác, nhưng còn rất ít tác phẩm của những người lính, người cán bộ cách mạng bình dị từ trong cuộc chiến viết về chính cuộc đời họ. Chị Lưu Kim Trang đã làm được điều ấy như lời chị bộc bạch: “Ở vào tuổi thất thập này, tôi nghĩ suy rồi mạnh dạn viết về những ký ức trong tôi để trao cho con cháu, bạn bè, người thân, hầu làm món quà tinh thần với những kỷ niệm khó quên. Với tính chân thật hiểu sao, nhớ sao, làm sao viết vậy. Không tránh khỏi những sơ suất, để cuốn sách nhỏ về “Một Chặng Đường Đời” được truyền cảm cho con cháu, bạn bè, người thân sâu đậm nghĩa tình.”
Khi lật từng trang hồi ký “Một chặng đường đời” tôi vô cùng xúc động, ngay dòng viết đầu tiên: tôi sinh ra bị “lốc lọt” trên kẻ vạt ở một lung sâu vùng Đất Mũi, bốn bề sông nước quạnh hiu vang vọng tiếng gầm gừ thú dữ, người mẹ tự tay cắt rốn cho con rồi chị lớn lên trong sự tảo tần của mẹ chằm lá bán, cha nhọc nhằn đủ thứ nghề như thợ mộc…
Chị vẽ lại cảnh miền quê sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi in đậm dấu chân chị đi qua, vẽ lại những tháng ngày gian nan nhất của một người nữ cán bộ luôn sẵn sàng “thiên biến vạn hóa” khi đối mặt với kẻ thù, hình ảnh người mẹ bầu sữa căng tròn đang làm nhiệm vụ trong khi đứa con thơ khát sữa cháy cả ruột gan. Vẽ lại gương mặt đầy nghị lực của người cha, nét hiền lành chân chất của người mẹ, hình ảnh người thầy cần mẫn uốn nắn cho trò từng nét chữ dưới chiến hào. Vẽ lại những nét mặt rạng ngời đầy ắp tình chồng nghĩa vợ, tình yêu thương đồng bào, đồng chí, sẵn sàng giành lấy sự hy sinh mất mát về mình cho đồng đội vẹn toàn, vẽ lại lòng tin vững bền ngày mai chiến thắng.
Trong đêm sâu bầu trời yên ả, một tiếng nổ vang lên, một tiếng “đì đoàng” vọng lại, chị thắt thỏm lo âu không biết đầu làng cuối xóm chuyện gì xảy đến? Rồi từng chiếc cáng khiêng lên, từng nhát cuốc đào sâu vào lòng đất chôn vội đồng đội, lòng chị quặn đau :
Chiến tranh cướp mất bao người
Đồng bào, đồng chi máu rơi khắp miền
(Mất cha)
Hình ảnh bậc sinh thành như một bóng cây vươn cao tỏa rộng theo mỗi bước chân con trên vạn nẻo đường chiến đấu và chị đau đáu trong lòng biết bao giời mới trả được chữ hiếu cho cha mẹ, một niềm yêu thương vô bờ bến ôm ấp mãi trong lòng:
Thương cha sống cảnh gian lao
Vượt bao khốn khó đói nghèo nuôi con
(Mất cha)
Hay:
Mẹ nghèo sống cảnh gian nan
Chắt chiu vượt khó nuôi con vẹn toàn
(Mất mẹ hiền)
Mặc dù trong vùng bom cày đạn xới, mọi người phải học, phải biết chữ để tiếp cận khoa học, sử dụng vũ khí, y cụ, để thoát cảnh xiềng xích ngục tù, thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu. Các thầy cô ngày ấy là các chú, các cô, các dì… người biết chữ dạy người chưa biết chữ:
Cô thầy giảng dạy mỗi ngày
Mong trò vững bước, đức tài sáng trong
(Nhớ thầy cô)
Gian khổ hôm qua được bù đắp bởi thành quả của ngày nay, đất nước ngày càng thay da đổi thịt, xóm làng xanh ngát hoa thơm trái ngọt, nhà nhà rộn ràng vui đón những mùa xuân về trong hòa bình- tự do-độc lập:
Xuân về trên đất Vĩnh Long
Hoa thơm trái ngọt thắm trong lòng người
(Xuân về)
Trong một chừng mực khiêm tốn, bằng mạch văn giản dị, chân chất và những vần thơ mộc mạc chị đã góp phần cho thế hệ mai sau thấy được tinh thần lạc quan yêu nước của đồng bào, đồng chí vùng đồng bằng sông nước Cửu Long một lòng đi theo tiếng gọi của non sông dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày đêm bám đất giữ làng và sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Không những thế, dù đất nước hòa bình nhưng họ vẫn không tự mãn ngủ quên trên chiến thắng, anh chị lại lao vào nhiệm vụ mới góp tay xây dựng cho quê hương giàu đẹp.
Văn Quốc Thanh

Không có nhận xét nào: