Thứ Tư, 24 tháng 1, 2007

Kỷ niệm một chuyến đi

bút ký


Chuyến đi Trà Cú lấy tư liệu để tham gia viết bài theo nhã ý của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh gây cho tôi thật nhiều hứng khởi. Thú thực là cũng pha chút cảm giác vừa tò mò vừa ngại, vì đi lần đầu, không biết có viết được “ra ngô, ra khoai” gì không. Nếu không có bài, hoặc bài viết không ra gì thì cầm bằng chỉ có nước mà… độn thổ. Để vững tâm hơn, tôi rủ chị Dạ Minh cùng đi. May mà chị không từ chối!

Sáng tinh mơ, hai chị em đã nai nịt khăn gói lên đường. Theo chỉ dẫn của người bạn gốc Trà Cú ở gần nhà, chúng tôi quyết định đi đường tắt để vừa tiết kiệm thời gian vừa tới kịp để dự cuộc họp triển khai cuộc vận động viết bài. Khách đi phà sớm ở đầu bến Cần Thơ đông nghẹt. Phải mất đứt gần 30 phút, chúng tôi mới đến bờ Bình Minh. Đi tắt, nên chốc chốc cứ phải dừng lại để hỏi đường. Buổi sớm thanh bình. Gió đồng quê mát rượi. Hôm qua, vừa có trận mưa đầu mùa đã đời, nên hôm nay đường đất thật là sạch sẽ. Cây cối như reo vui đón làn nắng ban mai. Gần trăm cây số, cứ nhằm hướng mặt trời mà đi. Giả tỷ không hỏi thăm đường, chưa chắc gì chúng tôi đã đi lạc. Nói vậy, không phải là không cảm ơn bà con đã chỉ đường cho chị em tôi.

Qua phà Trà Ôn thì ông mặt trời đã tỉnh ngủ hẳn. Lão ta cứ như giỡn ngươi, vừa chạy lùi đằng trước mặt vừa nheo nheo mắt cười như chọc tức tôi. Để tránh bị lão làm phiền, tôi đành dừng xe, lấy gọng kính mát đen thui lên tròng vào mắt. Tới thị trấn Cầu Kè, chúng tôi đậu lại dùng điểm tâm. Dạ Minh kêu to: “Mỏi tay quá trời !”. Tôi phá ra cười vì sự vụng về của chị. Thì ra chị không biết cách gài pher-mơ-tuya áo khoác và quai nón bảo hiểm. Vì vậy, dọc đường, một tay thì giữ quai vì sợ nón rơi, tay kia thì giữ rịt hai mép áo. Thế là có thêm một đề tài vui nữa trong chuyến đi. Tôi thỉnh thoảng lại chọc chị: “Chỉ biết làm thơ thôi!”. Biết tôi kiếm chuyện cho ngắn bớt đoạn đường, nên chị cũng chẳng thèm phản ứng chi cho mệt. Sau khi giải phóng đôi tay, chị như càng yêu đời hơn, vừa đi vừa khe khẽ đọc mấy câu thơ của một tác giả nào đó rất nổi tiếng. Hình như là của nhà thơ Thu Bồn.

Gần chín giờ thì chúng tôi đến nơi. Cũng may, cuộc họp chưa bắt đầu. Anh Lê Tân, hội viên hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch hội VHNT Trà Vinh niềm nở đứng dậy bắt tay và chỉ chỗ cho chúng tôi an vị. Ngoài các tác giả của địa phương và chị em tôi từ Cần Thơ sang, còn thấy xuất hiện nhiều cây viết nổi tiếng khác như Song Hảo, Hồ Tĩnh Tâm, Văn Quốc Thanh, Ngọc Hiệp của Vĩnh Long, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em của An Giang… Nhiều người trong số họ, chúng tôi mới chỉ gặp mặt lần đầu.

Phần giới thiệu khách diễn ra không nghi thức rườm rà mà đơn giản, thân mật như thể những người thân lâu ngày gặp mặt. Tiếp theo đó, anh Ba Khỏe, Bí thư Huyện ủy giới thiệu thành phần chủ nhà và khái quát tình hình địa phương. Anh Lê Tân cám ơn và thay mặt Ban Biên tập Tập san thông qua đề cương. Một số tác giả đăng ký đề tài để địa phương có kế hoạch bố trí người hướng dẫn xuống điểm thu thập tư liệu. Riêng các tác giả thơ thì không cần đăng ký trước. Hồi nào đến giờ, chỉ làm thơ con cóc, chứ đâu viết lách gì, nhưng vì không có ai nhận đề tài nuôi trồng thủy sản, nên tôi mạnh dạn xung phong.

Buổi trưa. Không khí nóng nực của những ngày giữa tháng ba như làm cho phòng ăn của UBND huyện thêm chật chội. Chúng tôi vừa dùng bữa vừa tranh thủ làm quen, trao đổi danh thiếp, số điện thoại và thảo luận về những mảng mà mỗi người dự tính sẽ viết. Theo đúng chương trình, sau khi dùng bữa trưa, toàn đoàn sẽ lướt qua các đích đến đã dự tính để các tác giả định hình và lựa chọn thêm hay thay đổi đề tài nếu thấy phù hợp.

Từ thị trấn qua cửa Định An, tới Hàm Giang rồi lại vòng sang Lưu Nghiệp Anh… Trên đường đi, đoàn ghé vào tham quan di tích Ốc Eo. Sau đó thì đến thăm nhà máy đường Trà Vinh. Giám đốc Hòa ân cần tiếp đón. Chỉ cần vài phút tiếp xúc ngắn gọn, anh đã trình bày bật lên quan điểm và cách làm ăn năng động của tập thể Ban lãnh đạo Nhà máy. Cũng không cần phải dài dòng, vì đâu phải ngẫu nhiên mà khi nhiều doanh nghiệp mía đường lao đao, thì doanh nghiệp này vẫn là lá cờ đầu của ngành trong khu vực và góp phần không nhỏ ổn định điều kiện kinh tế-xã hội cho bà con nông dân nơi đây. Anh Hòa còn phân công người dẫn chúng tôi tìm hiểu một số công đoạn sản xuất kinh doanh của nhà máy.

Điểm dừng cuối cùng chiều hôm ấy là tại Chùa Giồng Lớn, tiếng Khơ-me gọi là chùa Nodol (còn có tên dân giã khác mà du khách đặt là Chùa Cò). Đến đây nhóm nhóm bắt đầu tụ lại, chuyện trò nở như pháo rang. Những mẩu chuyện về chùa chiền, về đất lành chim đậu, về mảnh đất và con người nơi đây lần lượt được điểm qua. Anh Ngọc Hiệp còn ứng khẩu hai câu lục bát để đùa anh Tường Bá, một cây viết quen thuộc của độc giả tập san Văn nghệ Trà Vinh. Tôi xin phép trích ra đây, mong anh đừng giận:
“Hình như em bị dính bùa
Nên theo Tường Bá vô chùa xem chim”.
Quả là không chỉ có cò! Khu vực chùa còn là nơi họp mặt của một vài loài chim khác như bồ câu, cồng cộc... “Đi xem cò nhớ che mặt và nhất là đừng há miệng”, tôi nghe mà không kịp nhìn xem ai đó vừa nói đùa mà cũng lại là nói thật. Không khí làng quê yên ả, trong lành càng làm cho lòng thêm thư thái.

Buổi tối hôm ấy mới thật đáng nhớ. Sau bữa cơm chiều thịnh soạn, các anh ở huyện bố trí một dàn nhạc cụ, âm thanh dành cho đêm giao lưu và một vài cây văn nghệ phục vụ. Khách làng văn đâu chỉ biết vẽ tranh, làm thơ, cũng có những người hát hay, đàn giỏi. Chủ và khách như không còn ranh giới phân cách. Ai nấy đều vui vẻ và tích cực tham gia, không phải để thể hiện mình mà đơn giản chỉ là muốn đóng góp cho không khí vui chung. Những câu hát, điệu múa dân tộc Khơ-me, những làn điệu dân ca, cải lương và đặc biệt là những bài thơ của các tác giả đang có mặt đã được các nhạc sĩ có tên tuổi phổ nhạc, hay những bài thơ ứng tác nóng hổi liên tục được trình bày.

Sáng hôm sau, dự tính sẽ đi Đôn Châu liền, nhưng anh Lê Tân nói anh cũng xuống cơ sở cách mạng ngày trước là chùa Giác Ngộ gần đó, vì thế chúng tôi cậy nhờ anh xa giá và chị em tôi nhóm cùng các cây viết Vĩnh Long và chị Lập Em tháp tùng anh. Chùa Giác Ngộ rộng 20 ha, tọa lạc trên địa phận ấp Xa Vang, xã Đôn Châu. Sư thầy Thích Tâm Thọ có tục danh rất ấn tượng là Kiên Văn Cường vừa đi đám về tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo. Thầy kể cho nghe cuộc đời và công đức của các vị tiền bối như Thượng tọa Thích Thiện Hồng, tục danh Tô Văn Ngỡi hay còn gọi là Cả Ngỡi, người đã hiến đất và sáng lập chùa; Thượng tọa Thích Thiện Ý, tục danh Võ Văn Cương, người kế vị và tiếp tục truyền thống. Chúng tôi cũng được đọc bản thành tích nuôi chứa cách mạng và bảo bọc thanh niên trốn quân dịch của Chùa. Những trang sử của Chi bộ xã Đôn Châu, cùng những tên tuổi gắn liền với phong trào cách mạng ở địa phương như ông Lê Phát Nhiều, Hồng Văn Lâu, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Trung Nguyên… như được hiện về qua lời kể của những nhân chứng sống là các ông Tô Văn Lính và Nguyễn Thành Chiêu. Chúng tôi vừa nghe chuyện vừa nhấm nháp trái cây do nhà chùa hiếu khách mang ra.

Đích đến tiếp theo của nhóm là UBND xã. Đồng chí Bí thư Kiên Quân thay mặt Đảng ủy và Ủy ban ân cần tiếp chúng tôi. Tôi được giới thiệu đến gặp một gia đình nuôi tôm, vượt khó tiêu biểu để viết phóng sự theo như phân công từ trước nên lúc này không còn đi chung nữa. Khoảng 11 giờ 45, chúng tôi lại tập trung nhóm ăn trưa trong một quán ăn gần Ủy ban. Bữa ăn dành cho đoàn khách làng văn chỉ có đĩa tép ram, đĩa đậu xào và tô canh bầu đạm bạc, nhưng rất ấm cúng. Các anh ở xã rất nhiệt tình. Cả Bí thư, Chủ tịch, Trưởng ban Văn hóa–thông tin và Trưởng ban Nông nghiệp đều có mặt. Chỉ tiếc là nhóm còn tiếp tục hành trình nên không “tới bến” được mà đành phải xin khất mấy anh. Sau một ngày rưỡi hội họp, di chuyển và lấy tư liệu, anh chị em trong đoàn đều đói bụng và phấn khởi nên ai cũng ăn rất ngon miệng. Sau bữa trưa, tôi cùng chị Dạ Minh còn quay lại nhà người nuôi tôm giỏi để thu thập thêm thông tin cho bài viết của mình.

Qua một vòng khảo sát, dù thời gian chưa nhiều, nhưng chúng tôi đều có nhận định chung rằng tiềm năng của Trà Cú còn nhiều, đang cần đánh thức. Ngoài thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thì nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại, du lịch cũng đang mời gọi. Những ưu thế này càng có cơ sở vững chắc và chắc chắn phát huy tốt hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện đang từng bước được cải thiện.

Chúng tôi không quay trở lại đường cũ mà vòng xuống Duyên Hải trước khi trở về. Biển Ba Động thân tình như lòng người dân Trà Vinh mến khách. Sau hơn nửa giờ tắm biển thỏa thích thì bữa ăn ở biển có canh chua cá dứa và nước mắm rươi quả là ngon lành hơn bình thường rất nhiều. Màn đêm kéo đến như cũng nhanh hơn. Tiếp theo là tiết mục hóng gió, thưởng thức cảnh biển và ngắm trăng đêm. Chuyện của những cây viết có nói hàng giờ, hàng ngày hay cả tuần cũng không hết. Tối hôm đó, tôi khò một giấc thật ngon cho đến khi anh Quốc Thanh đánh thức dậy rủ ra biển ngắm mặt trời lên. Anh đã chọn một góc nhìn hợp lý, sẵn sàng để ghi lại vài tấm ảnh đẹp của bình minh.

Thật may mắn cho tôi được gặp gỡ và quen biết những cây viết chuyên nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long như: anh Lê Tân,

anh Hồ Tĩnh Tâm, chị Song Hảo, chị Nguyễn Lập Em, anh Văn Quốc Thanh... Các anh, các chị đã cho tôi những lời khuyên, những bài học bổ ích và nhiều kinh nghiệm của người cầm viết trong chuyến đi thực tế sáng tác lần này. Còn một người nữa, hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến là nhà thơ Tăng Hữu Thơ. Ông có việc phải quay về Trà Vinh ngay bữa đầu nên không đi theo nhóm xuống Đôn Châu cùng chúng tôi được. Nếu bạn yêu thơ nào chưa từng đọc thơ của Tăng Hữu Thơ thì chắc chắn đó cũng là một thiếu sót.
Tôi xin được phép dùng lòng biết ơn trân trọng thay cho lời kết của bài viết này. Cám ơn tất cả những tên đất, tên người nơi đây, trong đó có cả những người mà tôi quên nhắc trong bài viết hoặc chưa từng biết tên.
Trà Cú, ngày 17 tháng 03 năm 2006

Không có nhận xét nào: