Thứ Ba, 23 tháng 1, 2007

Đảo xa tiếng sóng thì thầm

Đã về nhà hơn mười ngày mà khi cầm bút ghi lại những cảnh ngục tù Côn Đảo tôi cảm thấy vẫn còn rờn rợn. Trên trang giấy như có những oan hồn núi lấy ngòi bút tôi và thầm trách “Chú mầy cởi ngựa xem hoa đâu hiểu hết mà viết với lách?.” Thôi, tôi đành gom nhặt những gì bắt được trên đường hành hương vậy.
Trời mờ sáng. Mọi người đã có mặt tại sân văn phòng Tỉnh Ủy. Đoàn có 102 thành viên, trong đó có hai mươi ba cựu tù Côn Đảo, năm mươi cựu chiến binh, cựu tù chính trị các huyện, cán bộ một số ngành, mười sáu Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật còn lại là anh em Hội nhà báo.
Khi chiếc đồng hồ điện tử trên tay tôi chỉ 6 giờ 45 phút ngày 6 tháng 5 năm 1994 thì cái bắt tay cuối cùng của đồng chí bí thư tỉnh Vĩnh Long và đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh- Ủy viên thường vụ tỉnh, chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh (làm làm trưởng đoàn )tiễn chúng tôi ra xe. Hai chiếc máy ca-ma-ra bắt đầu ghi lại những thước phim đầu tiên cuộc hành hương về Côn Đảo.
Quá trưa, khi cái nắng hăng hắc pha vị mặng của vùng biển phả vào mặt là lúc đoàn dừng chân tại nhà nghỉ công đoàn Cử Long, Bãi Dâu Vũng Tàu.
Hơn hai giờ sau, ngoài biển khơi bầu trời chuyển màu xám xịt, mọi người hồi họp nhìn nhau như ngầm chờ cơn mưa thịnh nộ. Chúng tôi nhìn trời, nhìn đất, nhìn biển khơi rồi đưa ra nhận định thời tiết theo ý riêng của mỗi người. Nhưng không. Trời đã “phù hộ” cho chuyến đi xa. Thoáng chốc Vũng Tàu trời yên, biển lặng. Đêm nay hứa hẹn sẽ có một chuyến đi biển tuyệt vời.
Mười sáu giờ năm mươi phút, anh em thủy thủ tàu du lịch Côn Đảo bắt chiếc cầu dã chiến chênh vênh nối cảng và tàu, thành gượng là một sợi dây thừng to thắt lại nhiều gút trải dài, căng thẳng. Các cụ già lần từng bước chắc nịch như đi trên chiếc cầu khỉ quen thuộc ở quê nhà lên tàu theo nhịp lắc lư của sóng. Bọn thanh niên xuống hầm đáy, nhường tầng hai và ba cho các cụ già và giới nữ. Từ buồng máy, mười hai chiếc xú-bắp lộ thiên nhô lên thụp xuống vang lên những tiếng ì ầm hối hả. Giọng thuyền trưởng hạ lệnh nhổ neo qua máy bộ đàm như thúc giục chúng tôi sớm ổn định chỗ nghỉ để ra hành lang ngắm hoàng hôn trên biển cả. Đó đây những tiếng lách tách của các phó nháy không chuyên, những ống nhòm đưa vào tầm mắt dõi về một chân trời xa thẳm. Vũng Tàu lùi dần về phía sau. Con tàu trầm mình trong màu hoàng hôn tím nhạt. Khoảng không gian vô tận của biển trời làm ta quên đi mọi lo toan vướng bận đời thường. Ai đi biển lần đầu làm sao không xao xuyến với cái cảm giác bềnh bồng êm ả. Có mấy ai không tận hưởng phút giây huyền hoặc khi con tàu lướt sóng. Đại dương như một chiếc nệm khổng lồ nâng ta bay bỗng. Giờ nầy trên đường đến đất “địa ngục trần gian” các cô chú cựu tù đang nghĩ gì? Họ đang nhớ về ngày tháng xa xôi bị giam cầm đày ải, hay bằng tinh thần lạc quan cách mạng họ tạm quên đi cái quá khứ hãi hùng để hòa quyện cùng thiên nhiên hào phóng. Ngày xưa, đường đến Côn Đảo là đường “tôi đi học”nhà tù là trường nơi ấy đã dạy cho họ nếm đủ mùi cay nghiệt nhất trên đời. Đêm nay, cũng trên con đường nầy, họ trở về như những người hùng thăm lại trường xưa, để gắn những gam màu sống trên chính thân thể họ cho bức tranh nhà tù thêm phần sinh động. Càng về khuya không gian càng vắng lặng, quanh tôi những chiếc đèn tàu đánh cá như những chú đom đóm di động, lác đác dọc hành lang vài người không ngủ, họ đứng trầm ngâm cùng tiếng sóng khuya khua động thành tàu.
Hừng sáng (57-), xa xa dọc triền đảo chính, một vạch trắng phân chia đảo và biển lồ lộ vài căn nhà. Từ buồng lái tôi thoáng nghe cuộc điện đàm giữa tàu và đảo. Anh Chương-phó chủ tịch huyện Côn Đảo giọng ồ ồ qua máy bộ đàm chúc sức khỏe và cho hay đã chuẩn bị xong bữa cháo điểm tâm cho đoàn. Chính quyền và nhân dân đang chờ tàu cập bến.
Thế là hơn mười ba giờ đồng hồ lênh đênh trên biển chúng tôi mới tận mặt Côn Đảo. Hai nhà nghỉ Phi Yến và Hương Biển cũng vừa đủ cho một trăm lẻ hai con người. Ai nấy cũng thấm mệt, cảm giác say sóng của một đêm không ngủ làm đôi mắt tôi muốn khép lại. Nhưng nào có nghỉ ngơi gì đâu, bọn văn nghệ chúng tôi tranh thủ dạo một vòng thị xã tiếp xúc với dân địa phương để biết rõ hơn mảnh đất mình đang đến.
Thật kỳ diệu! Mười lăm hòn đảo nhỏ được vây quanh một hòn đảo lớn (Côn Lôn) cách Vũng Tàu chín mươi hải lý, diện tích 7.219km2, mỗi hòn có một tên gọi khác nhau như hòn Cau (nơi giam đồng chí Phạm Văn Đồng 1930-1931), hòn Tre Lớn(nơi đồng chí Lê Duẩn bị đày), hòn Bảy Cạnh có hải đăng hướng dẫn tàu biển xây dựng từ năm 1884 đến nay vẫn còn hoạt động v.v…và mỗi hòn lại gắn nhiều huyền thoại như hòn Tài, hòn Trác nói về mối tình tay ba của hai anh em nhà họ Đặng với cô Đào Minh Nguyệt được người địa phương ghi lại bằng thơ ca để nói lên tình tiết lâm ly của nàng gặp cảnh éo le:
Ai sang hòn Trác, hòn Tài
Cho em xin gửi một vài câu thơ
Đêm sương gió lạnh sao mờ
Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây
Chừng nào núi Chúa hết cây
Côn Lôn hết đá dạ nầy hết thương.
Hoặc cái nghĩa cử cao đẹp, cương quyết trọn đời chung thủy của bà Lê Thị Răm (tức bà Phi Yến) thứ phi của chúa Nguyễn Ánh bị nhà vua nghi oan thông đồng với Tây Sơn đày ra đây, đến khi nghe tin con mình là hoàng tử Cải bị vua cha ghép tội a tòng với mẹ rồi ném xuống biển được người địa phương ghi lại:
Gío đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay.
Và còn bao nhiêu hòn mang nhiều huyền thoại khác…
Cách đây hơn một thế kỷ khó mà tưởng tượng có người đến đây lập nghiệp, thế mà trước khi Pháp đánh chiếm quần đảo Côn Đảo thì nơi đây là khu sinh sống của một số người Việt và Khơ-mer từ đồng bằng sông Cửu Long trốn chạy khỏi ách áp bức, bóc lột nặng nề của địa chủ.
Côn Lôn, tức là Côn Đảo ngày nay (còn gọi là Phú Hải) là đảo lớn, diện tích 51,2km2 có thị trấn Côn Đảo nằm trên thung lũng hình bán nguyệt, cao độ trung bình 3m so với mặt nước biển và chính nơi đây đã tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo. Có 2.088 dân, 266 hộ chính quyền mới ổn định từ sau ngày giải phóng. Chủ tịch huyện loài người ra tù tình nguyện ở lại đảo. Mọi xây dựng ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, đến nay điện nước đã có sẵn, hệ thống thông tin liên lạc hòa vào hệ thống quốc gia.
Buổi chiều, trong màu nắng hanh vàng pha lẫn cái mát của miền hải đảo, chúng tôi đi về Cầu Tàu với sự hướng dẫn của thuyết minh viên Trần Thị Phương Đông. Ta không thể hình dung cảnh đày người tại đây, bốn người tù gầy ốm phải khiêng một tảng đá vuông nặng hàng tạ, nếu một người ngã gục thì ba người còn lại phải khiêng nốt để xây dựng Cầu Tàu 914 (con số người tù chết khi xây cầu), hay những người tù khổ sai đi trái, nghĩa là trên vai vác đá, dưới chân kéo lê hai trái tạ nặng 7kg bằng sợi xích sắt buộc chặt vào cổ chân, cứ thế họ phải chịu hành hạ ngày này sang ngày khác đến khi hơi tàn, sức cạn.
Vào khu di tích bảo tàng lịch sử Cách mạng, khu nầy có tổng diện tích 18.600m2 là nơi làm việc của 53 đời chúa đảo (13 Pháp, 14 Việt) những chứng tích của ngục thất vẫn còn đó, những dụng cụ tra tấn, những hình ảnh người tù trần truồng chịu đàn áp, những chiếc áo vấy máu đã phai màu theo ngày tháng, đường kim mũi chỉ đang còn dang dở trên những chiếc khăn tay của các chị, các cô chưa đến tay người thân đã vĩnh viễn nằm xuống. Kiểu đày người thời Trung Cổ không làm nhụt chí những chiến sĩ cách mạng kiên cường, nên chúng quay sang tra tấn bằng dụng cụ hiện đại với nhiều từ hoa mỹ như đi máy bay( treo ngược người tù trên trần nhà để đánh), đi tàu ngầm( bỏ người tù vào thùng phuy ngập nưỚc, dùng cây gõ bên ngoài thùng đến bấn loạn thần kinh)…
Rơi khu bảo tàng, băng qua đoạn đường rợp bóng bằng lăng là trại giam Phú Hải , trại nầy được xây dựng từ thời Pháp (1898) được gọi là Banh I, đến năm 1973-1975 được gọi là trại Phú Hải có tổng diện tích 12.015m2 bao gồm 10 khám lớn, trong đó có một khám tử hình, 20 hầm biệt giam bằng đá, một khám đặc biệt, hầm xay lúa, ngoài ra còn có các công trình phụ như : Câu lạc bộ, nhà bếp, nhà hớt tóc, nhà ăn, nhà nguyện và sân vườn rộng. Đây là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo. Các phòng của trại gam nầy mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử và những công trình phụ đó chẳng qua là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài để che đậy bộ mặt thật tàn ác của bọn chúng nhằm đối phó với công luận quốc tế. Thử hỏi con người bị xiềng chân, giam cầm trong phòng tối, một lổ thông gió cũng nhét đầy kẽm gai, đại tiện, tiểu tiện ngay sàn nằm của mình thì cần gì đến cái câu lạc bộ, cái sân rộng, cái nhà ăn kiểu cách ấy! Đến phòng giam cũ, anh Huỳnh Anh Kiệt xúc động khi tôi đề nghị anh đứng lại ghi pô hình thì giọng anh lạc hẳn, đôi mắt ngấn lệ làm tôi lúng túng đến nỗi quên kéo chiếc đèn flash của chiếc máy ảnh khi chụp. Càng đi sâu vào xà lim bước chân tôi càng khựng lại bởi cái ánh sáng lờ mờ hiu hắt như từ cõi âm u vọng về, lòng tôi nghẹn lại và cảm giác buồn nôn ngầy ngậy dâng lên tận cổ cho đến khi nhà thơ Song Hảo khều nói nhỏ: “ghê quá tối nay bọn mình xé lẻ ngủ lại rừng thay đổi không khí”.
Thế là chúng tôi bỏ buổi cơm chiều. Chiếc xe jeep quân đội nhét mười một anh chị em Hội Văn nghệ ngược thị trấn Côn Đảo, nhắm hướng Tây Bắc và cầu Ma Thiên Lãnh băng rừng. Xe gặp đường xấu hất tung bọn tôi đùn cục lại và theo sau là những tràng cười ngặt nghẽo, đến đoạn đường hẹp phải dừng lại đi bộ. Ôi thiên nhiên đẹp và hùng vĩ quá! Nhìn lên cao vách đá cheo leo, nhìn xuống dưới vực sâu thăm thẳm. Cây rừng trùng trùng điệp điệp. Cả bọn vừa đi vừa hát. Lũ ve rừng hòa nhịp ngân vang. Trên cành đủng đỉnh tiếng tu hú gọi bầy, mấy con chim rừng cất tiếng ca cao vút. Càng lên dốc cao đôi chân càng nặng trĩu, hơi lạnh của đá của cây phả vào người cũng không ngăn nỗi những giọt mồ hôi nhễ nhại. Đoạn xuống dốc càng khó gấp nhiều lần, đường hẹp, trơn, rong rêu phủ đầy, mỗi bước chân thân người cứ đổ dồn về phía trước. Nhà văn Trúc Phương nhiều lần suýt nhoài người lên nhà thơ Song Hảo bởi sau cái trượt chân chị níu theo. Chiếc gậy trên tay tôi cũng không gượng nổi một cái dáng tiểu thư Cúc Anh trong đoàn. “Anh chủ tịch Hội có mệt không khi phải mang cái “thùng nước lèo” trước bụng leo lên dốc”. Câu đùa dí dỏm của ai đó trong đoàn làm mọi người cười gion xua tan cái mệt.
Sau gần một giờ đồng hồ băng rừng, ánh sáng lờ mờ từ phía trước báo hiệu sắp đến bãi Ông Đụng là điểm dừng chân. Với nụ cười thân thiện các anh em nhân viên Trạm kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo tay bắt mặt mừng và sắp xếp chỗ nghỉ cho anh em chúng tôi kịp xuống biển tắm.
Ồ biển! Lại biển! Lòng tôi nao nao với màu hoàng hôn vàng rực khi mặt trời từ từ chìm xuống rồi trốn biệt sau lưng hòn Tre Lớn. Từng mảng mây trôi là đà phía trên mặt nước xanh trong vắt. Bãi đá tổ ong trải dài trên triền cát kéo đến tận biển xa. Dưới nước, những sợi rong dài dày đặc quấn chặt chân tôi như vòng tay của những người bạn tri kỷ. Chúng tôi trầm mình trong làn nước ấm đùa nghịch như thời còn mười tám đôi mươi cho đến khi đứng gần mà không nhìn thấy mặt nhau mới thôi. Núi rừng dày đặc bóng đêm. Dưới ánh đèn néon của Trạm năng lượng mặt trời, buổi cơm thân mật của anh em trạm kiểm lâm dọn ra chỉ có khô cá hố và chuối xiêm chín, nhưng cũng thắm đượm tình nồng. Các anh như có phép thần, bằng đôi tay điêu luyện sau nửa giờ xách đèn bấm ra bờ biển mà lúc trở về có đủ đặc sản đãi chúng tôi. Đặc biệt có một loại ốc hình trôn nón bám chặt vào đá với tên gọi nên thơ là ốc vú nàng. Dưới ánh lửa bập bùng nhóm vội, anh Lê Xuân Ái-chủ vườn quốc gia Côn Đảo, tay nâng ly rượu “thiên niên kiện”, miệng ngâm nga câu thơ:
Ai qua đất thắm bãi Bàng
Hỏi thăm ông Đụng vú nàng lớn chưa?
Một giọng trẻ bồi theo:
Anh hỏi thì em xin thưa
Vú nàng nướng chín nhưng chưa ai dùng.
Mời anh em cạn ly!
Đ
êm rừng lắng xuống bỗng rộn lên lời ca tiếng nhạc. Tiếng củi cháy tí tách. Rượu ngấm vào người bốc lên những bài ca một thời sinh viên tranh đấu, những bài ca ngày đầu đất nước thống nhất. Và cuộc vui sẽ đến lúc chia tay, các anh ngược rừng tiễn chúng tôi về tận thị xã để tiếng đàn, tiếng nhạc lại tiếp tục cất lên bên thềm nhà nghỉ mãi đến khi bình nghiêng rượu cạn. Sau vài phút chập chờn gần trọn đêm không ngủ, tôi lắng nghe tiếng sóng thì thào bên ghềnh đá mà cứ ngỡ như lời ru của biển. Lời ru vỗ về, thương yêu, trách móc… làm tôi thiếp đi. Đêm đầu ở đảo bình yên nhập nhòa sóng vỗ.
Bình minh ửng hồng một góc trời hải đảo. Tôi đi dọc theo bờ biển để săn vài kiểu ảnh. Dân ở đây không thức tắm biển sớm như dân ở miền duyên hải. Dưới biển chỉ vài chếc tàu đánh cá của các tỉnh bạn mang hải sản đến bán, phần lớn là mực và cá nhỏ. Dân còn nghèo nên thiếu phương tiện đánh bắt. Đây cũng là ngày thứ hai ở đảo (8-5), điểm tham quan đầu tiên Trong ngày là nghĩa trang Hàng Dương, có tổng diện tích là 19 ha, nơi đây có hơn hai vạn tù nhân vùi thây không trọn. Ngày xưa, chỉ một cơn gió mạnh, chúng ta có thể gặp vài lóng xương người lòi ra. Hiện nay có khoảng bốn ngàn ngôi mộ đá đơn sơ, trong đó có bảy trăm ngôi mộ có bia còn lại là những miếng ngói khắc số đầy bí ẩn. Đoàn đến đặt vòng hoa và nghiêng mình mặc niệm trước anh linh hồn tử sĩ. Bản nhạc trầm hùng cùng tiếng dương ngân lên vi vu dưới chân tượng đài “ chết còn cởi áo trao nhau” người tù gầy đôi mắt sâu thẳm. Nén nhang trên tay tôi vơi dần trước những ngôI mộ chưa một lần gặp mặt. Dưới lòng đất lạnh đồng chí Lê Hồng Phong đâu còn xương cốt, ba lần chôn là ba lần địch đánh mìn giật tung. Mộ chị Võ Thị Sáu hết tấm bia nầy bị đập thì tấm bia khác lại thay. Những bàn tay vô hình nào đó trong đêm làm cho mộ chị không thể thiếu bia đến nỗi vợ con và gia đình của bọn cai ngục ngừng ý đồ phá phách, tự tay tạc bia và phong cho chị biệt danh “liệt nữ Võ Thị Sáu” Câu chuyện linh thiên về chị đã ăn sâu vào lòng người dân Côn Đảo. Nếu cần thề thốt nhau ư?. Khỏi cảnh trời tru đất diệt, chỉ cần ra mộ chị chứng giám thì mấy ai dám phụ lòng nhau.
Rời nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi lên xe đến tham quan một số trại tù nổi tiếng. Điển hình nhất là khu chuồng cọp Pháp, xây dựng từ năm 1940 trên tổng diện tích 5.475m2 gồm 120 phòng giam được chia ra 2 khu, mỗi khu 60 phòng, một đường bí mật dẫn tù nhân vào, trên trần được chắn bởi những song sắt to và một lối đi bằng xi măng rộng chừng một mét, cách khoảng 5 buồng giam có một khạp đựng vôi bột. Mùa mưa, người tù bị rải vôi và tưới nước, mùa nắng khi mồ hôi tươm ra là bị rắc vôi bột xuống. Một người đứng cạnh tôi thốt lên “thà đổ cả thùng xuống cho chết ngạt quách chứ rải nhỏ giọt từng ngày thì da thịt nào chịu nỗi”. Vôi lấy ở đâu ư? Ở bãi Cạn đấy! Người tù ra bãi Cạn mò san hô mang về lò nung thành vôi. Họ làm việc trong một môi trường hết sức nguy hiểm, không đồ bảo hộ, không có khẩu trang.
Buổi chiều. Giờ nghỉ trưa đã hết. Lũ ve sầu cũng khản tiếng trên cành bàn trước sân nhà nghỉ. Chúng tôi đến khu biệt lập chuồng bò, có tổng diện tích 8.410km2, chia làm hai khu A và B. Khu A (Pháp ) xây 9 phòng, khu B Mỹ xây 24 phòng giam, đặc biệt có hai hầm giam chứa phân bò, mỗi hầm sâu 3 mét, diện tích 9m2, nối liền với khu nuôi bò bằng đường cống dẫn phân. Mới nhìn bên ngoài cứ ngỡ đó là một nhà kho, chứ ai ngờ đâu bên trong, dưới lòng đất sâu là những con người bị hành hạ. Người tù chịu ngâm mình trong phân, nước tiểu bò đến tận cổ, tới bữa ăn được ném vào một nắm cơm nhỏ, ai bắt được thì ăn nếu không thì cơm rơi xuống phân nhịn đói.
Tiếp tục ngồi xe chừng 15 phút đường rừng về phía tây Bắc thị xã Côn Đảo là đến cầu Ma Thiên Lãnh. Cầu bắc qua hai bờ của một con suối rộng, tuy không sâu nhưng rất hiểm trở. Hôm chúng tôi đến nhằm lúc lòng suối cạn, ít nước nên nhìn rất rõ hai đầu móng được xây Bằng những tảng đá lớn rồi lần lượt những tảng đá nhỏ hơn được xếp chồng phía trên, tảng nhỏ ít ra cũng vài người khiêng. Ba trăm năm mươi sáu con người kiệt sức gục xuống, xác của họ được vùi lấp sơ sài ở nghĩa trang Hàng Dương hay bị ném xuống Hàm Cá Mập. Biết đâu trong lòng suối hoang lạnh kia vẫn còn giữ lại những nắm xương còm cõi của họ. Theo tay chỉ và lời kể của anh thuyết minh viên thì trên dãy núi này có một số tù hạ cây đốn củi, bằng ý chí vượt ngục nung nấu, vài ba ngày họ lén đốn một cây tre, vài sợi mây rừng dấu kín đâu đó chờ lúc thuận tiện kết lại thành bè rủ nhau vượt ngục. Thà vượt ngục mà hy vọng có ngày gặp lại người thân, đồng đội còn hơn ở lại chịu cảnh đọa đầy chết dần chết mòn.
Đứng trên lưng chừng sườn núi, nhìn xuống Hàm Cá Mập, hòn Trác, hòn Tài lòng tôi bâng khuâng với cái màu nắng nhuộm vàng khêu gợi. Là con người ai mà không muốn có tự do và tự do đã thật sự được đánh đổi bằng sinh mạng của họ. Trong đầu tôi bỗng hiện lên một chấn nhỏ lênh đênh giữa biển cả - vượt ngục.
Rừng. Lại rừng! Ba chiếc xe đưa chúng tôi băng đồi vượt dốc, qua những đoạn đường lở, hẹp, khúc khuỷu, cây lá um tùm. Có chiếc nón trên đầu ai đó gởi lại cành cây vì không kịp khom người né tránh. Đứng trong lòng xe không mui giống như đi trốn giặc, hễ nghe la “cúi xuống” là cả bọn khom người có lúc bị xí gạt vì không có cành cây nào de ra cản lối . Bài ca tập thể “vượt đồi, vượt nương …dô! Đi qua rừng hoang …dô” đuổi theo chúng tôi đến tận mũi Hàm Cá Mập. Từ trên trên vách đá cheo leo nhìn xuống vực sâu nước xanh thăm thẳm đến chóng mặt, từng dãi rong xanh, vàng đan quyện ôm bờ biển chạy dài xa tắp. Chúng tôi căng mắt mà không tìm thấy bóng dáng một Chú cá mập nào đâu cả-loài cá một thời xơi tái thịt người tù Côn Đảo. Trước mắt có chăng chỉ là một cánh hải âu lững lờ cô độc.
Ngày cuối (9-5), theo kế hoạch chúng tơi đi về miền Đông Bắc thị xã để tham quan sân bay Côn Đảo và bãi Đầm Trầu ở làng Cỏ Ống.
Bảy giờ sáng, cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn một tiếng đồng hồ làm mọi người thất vọng. Dứt mưa mặt đất không sình lầy như ở đồng bằng-vì đất có pha lẫn cát. Chúng tôi bắt đầu lên xe xuyên rừng, có lúc xe chạy ven cập bờ biển. Nghe tiếng động vài con sóc vội chuyền cành lẩn trốn hoặc dăm con khỉ lẻ bầy ngồi tắm nắng trên mỏm đá cao lủi vào bụi rậm biến mất. Đoạn ngặt nhất là qua cùi chỏ Mũi Tàu Bể, chỉ cần sai sót nhỏ của bác tài là xe có thể đâm sầm xuống biển. Không lâu xe dừng lại cuối phi đạo sân bay Côn Đảo. Đoàn người tản ra dưới bóng mát hàng dương, vài người tung tăng ướm chân trên bãi biển cát trắng. Phải vượt qua một ghềnh đá cao và băng qua một bãi hàu bén ngót mới tới bãi Đầm Trầu. Dưới bóng cây ngô đồng trụi lá, cô Phương Đông kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về Đức bà Phi Yến và dân làng Cỏ Ống. Giọng người con gái xứ đảo đưa chúng tôi vào cõi thần tiên Côn Đảo. Em như một nụ hoa rực rỡ giữa bãi đầm Trầu làm tôi phải thốt lên:
Về miền Tây ta nhớ lắm Phương Đông
Nụ hoa đẹp giữa đất trời Côn Đảo
Dẫu biết quê em bốn mùa dông bão
Địa ngục trần gian” ta tự nguyện lưu đày.
Những câu chuyện cổ tích là ước mơ chân thật của người dân Côn Đảo. Đứng giữa biển trời chơi vơi khắc nghiệt nhưng trên môi họ luôn nở nụ cười lạc quan, thương yêu, tin tưởng. Họ mong có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và mang cái nghĩa đen “đặc khu” thật sự của nó, không mang nặng thủ tục hành chánh của một đơn vị huyện đơn thuần như bao huyện khác của tỉnh Bà Rịa. Họ muốn làm việc trực tiếp với Trung ương để đưa quần đảo đi lên trong nền kinh tế thị trường mang tính chọn lọc công bằng.
Hồi còi tàu rúc lên trong chiều báo hiệu phút chia tay Côn Đảo, tôi mang nhánh sầu đâu và cây phượng nhỏ lên tàu như mang theo hình ảnh người thân trở về. Tôi tin rằng vật kỷ niệm nhỏ nhoi duy nhất nầy sẽ đâm chồi kết nụ trên đất Vĩnh Long, vì trong mầm sống của nó đã ngấm một phần máu thịt của ông cha tôi gởi lại Côn Đảo. Biết đâu một ngày nào đó từ góc sân Hội Văn Học Nghệ Thuật rực lên một màu phượng đỏ. Màu kỷ niệm của 102 người hành hương về Côn Đảo.

Vĩnh Long tháng 5 năm 1994.

Không có nhận xét nào: