Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2007

đọc "Giật mình cầu nguyện" của Văn Quốc Thanh

Nhà văn
Hồ Tĩnh Tâm


Văn Quốc Thanh là bạn văn chương từ rất lâu của tôi. Chúng tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm vui buồn- thậm chí cả những kỷ niệm không hay ho gì- trên những nẻo đường vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, và ra tận các hải đảo trùng khơi. Nhưng đó là đời. Đời đến tận cùng khổ đau và hạnh phúc, tận cùng máu thịt.
Bài Giật mình cầu nguyện là tôi tự ý lấy trên blogs tại http://vanquocthanh.blogspot.com của anh. Tôi cảm bài này bởi sẽ không có chân lý, nếu: ai đó dám ném đá vào người đàn bà đã yêu và ghét rất thật!

GIẬT MÌNH CẦU NGUYỆN
I
đêm qua tôi nằm mơ
thấy người đàn bà bị đem ra ném đá
bầy quỉ dữ đến hỏi tội
“tội yêu và ghét”
người đàn bà không nhận lỗi về mình
loanh quanh bởi lũ yêu tinh râu xanh muôn thuở
II
dưới chân đồi
vô số người đàn ông
tay ôm những đoá hoa hồng
trên khuôn mặt thoáng chút dỗi hờn trách móc...
nhưng vẫn không ngớt lời van xin thượng đế.
III
bầy quỉ dữ ơi!
thôi đừng đòn roi
đừng răn đe, đừng chảo dầu, biển lửa…
đừng làm tan nát pho tượng
mà thượng đế ban tặng trần gian
rồi vô tình gieo rắc đau thương và tội lỗi.
IV
tôi giật mình thức giữa đêm sâu
cúi đầu khấn nguyện
và tự nhũ:
thế gian sẽ ra sao khi không có đàn bà?

Giật mình cầu nguyện là sự thật của tất cả chúng ta.Trước Chúa, hãy làm dấu Thánh và hãy nói rằng “tôi không có tội, tôi có quyền ném đá vào cô gái ấy”. Đọc xong bài thơ này, bạn có dám thề trước Chúa điều đó không?

Văn Quốc Thanh cầu nguyện bốn lần trong bốn đoản khúc thơ của anh. Vin vào nhau, tựa vào nhau, bốn đoản khúc thơ muốn nói với chúng ta một sự thật mà đấng thiêng liêng đã nói: “Không có sự công bình, không có một người công bình nào cả!”.Vậy thì hỡi con người, đối diện với sự công bình, hãy thử ném đá vào người đàn bà đó?!

Có thật là Văn Quốc Thanh nằm mơ không?Hay đó chỉ là một nghi vấn có tính tu từ nghệ thuật. Bởi lẽ trên cõi trần gian này, còn quá nhiều người dám dối trá về sự công bình. Họ nhân danh ai mà hành tội người đàn bà đó? Chẳng lẽ ai dám dũng cảm “yêu và ghét” đều là tội đồ sao?!Amen!Cầu xin Chúa thứ tội cho các con chiên của Người!!!

Đoản khúc II kéo chúng ta về với sự thật: hàng đống đàn ông ôm hoa hồng dưới chân đồi, khóc lóc van xin thượng đế. Nhưng… họ van xin điều gì? Xin được sám hối chăng? Xin được rửa tội chăng? Hay van xin đấng sáng tạo ban phát cho họ tình yêu và hạnh phúc?Người đàn bà ấy được rút ra từ xương sườn của họ, vậy mà họ dám ném đá ư? Ngậm máu phun người trước hết bẩn mồm mình.Lạy Chúa ba ngôi cho con nói:Con xin được giang tay làm thánh giá Cứu rỗi em con lúc yếu hèn! (Không, đúng ra con phải nói: Cứu rỗi em con dưới mặt trời!”.

Đoản khúc III có phải là lời cầu nguyện không? Khi mà Văn Quốc Thanh trực diện nói với bầy quỷ dữ, rằng: pho tượng ấy là quà tặng thiêng liêng của Chúa, các người chớ phạm thêm sai lầm!Và… Văn Quốc Thanh khép lại bằng sự thức tỉnh sau cơn mơ: thế giới sẽ ra sao nếu không có những người đàn bà đến với con người từ quyền lực sáng tạo vô song của Chúa.

Đọc xong bài Giật mình cầu nguyện, tự nhiên tôi xúc động nhớ lại câu chuyện sáng tạo cái đẹp của Picmalion.Picmalion đã bỏ gần hết cuộc đời mình để ca ngợi cái đẹp tối thượng: người phụ nữ của hành tinh. Khi pho tượng ca ngợi vẻ đẹp vĩnh cửu hoàn thành, Pic đã kiệt sức vì tuổi tác. Nhưng… lạy Chúa! Nữ thần Ái tình đã nhìn thấy Pic gục ngủ bên pho tượng tuyệt tác về cái đẹp. Nữ thần đã động lòng, hà hơi ban sự sống cho pho tượng. Từ trong từng thớ đá, người phụ nữ mĩ miều đã bước vào cuộc đời của Pic. Đó chính là cái giá lơn nhất của lao động sáng tạo nghệ thuật.

Bạn hãy làm điều đó đi! Bạn sẽ được ban tặng tình yêu trên mặt đất! Amen!Lạy Chúa! Người ban phước lành cho tất cả con người!HTT

Con người và chiếc bóng

Có những đêm thiếu ánh đèn dầu
Căn phòng chật và bóng đêm dày đặc
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban mai
Mặt trời mọc chiếc đầu tôi đổ xuống.

Có những đêm dưới ánh đèn dầu
Vùng ánh sáng lẻ loi lạnh ngắt
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban trưa
Mặt trời ở đỉnh cao vời vợi
Chiếc đầu tôi lại ở dưới chân mình.

Có những đêm thức với đèn dầu
Cơn gió trêu người. Ngọn đèn khuya lắt lẻo
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi hoàng hôn
Mặt trời rơi vào bóng đêm u tịch.

Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta đi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!
Rực rỡ phương Đông, bóng đổ trời Tây
Mặt trời càng cao bóng người càng nhỏ bé.

Thú hoang
I
Bầy thú hoang trong khu vườn chật hẹp
được nuôi dạy vỗ về bởi những ông chủ già nua
mỗi bữa ăn được ném cho vài miếng thịt đắt tiền - hoang phí
và những cái vuốt ve quen thuộc- tự hào.
II
Tuổi về chiều mệt mỏi
chủ thiếp đi cánh cửa chỉ khép hờ
rừng thênh thang gọi mời phía trước
tiếng suối reo róc rách giội về
ngào ngạt mùi hoa thơm cỏ lạ
thú tung tăng lạc giữa rừng chiều…
III
Rồi một hôm nhàn rỗi
những ông chủ đi săn
thú chợt nhận ra người mừng mừng, tủi tủi…
nhưng người thì bận rộn với cung tên.

Thôi muộn rồi con thú tội nghiệp kia ơi!
miếng thịt rừng hoang lừng thơm mùi tang tóc
thú và người ai dễ nhận ra nhau?
chiều nay
trong buổi tiệc
những ông chủ
nâng cốc
say!

Trái tim đảo ngược

Đêm nay say trước gương soi
Mảnh kiếng vỡ làm ngực anh rách toạc
Anh thấy trái tim mình đảo ngược thành ngọn lửa
Cứ bập bùng cháy bỏng yêu thương.

Không hiểu cớ gì anh lại uống nhiều hơn
Dốc cùng kiệt đến bình khô cạn rượu
Mượn men đốt cái tế bào ung bướu
Mầm tương tư đày đoạ một kiếp người.

Ừ mai này anh sẽ tập quên
Quên để dối lòng khi thương nhớ.
Để soi gương không còn bỡ ngỡ
Khi thấy trái tim mình đảo ngược
như ngọn lửa em ơi!
VL 6/10/05

Hoa trên Núi Cấm

Xưa anh có hứa khi nào rỗi
Mình hẹn nhau lên”Lễ tắm Bà”
Đã trót người phàm trong cõi tục
Thánh còn phải tắm huống gì ta?

Nay anh lầm lũi về Núi Cấm
Mới biết rừng sâu có một điều
Người mang tội lỗi lên non khấn
Còn anh lẩn thẩm một tình yêu.

Bởi em hoa dại giữa rừng xanh
Không sắc, không hương chẳng lá cành
Đôi lúc anh nhìn như muốn hái
Nhưng sợ đau loài… hoa của anh.

Ai đem tên Cấm đặt cho núi?
Để chốn rừng sâu chẳng lối vào
Nhớ bóng trâm già che cỏ biếc
Ta ngồi trốn nắng tận non cao.

Xin chào Văn Quốc Thanh !
Tôi vào blogs của anh, đọc thấy lý thú lắm, trình bày cũng đẹp.Trước hết có lời chúc mừng anh Sau nữa mời anh thỉnh thỏang ghé http://vnweblogs.com/ đọc tác phẩm của bạn bè trong cộng đồng này!Tôi post vào đây bốn bài của anh, vì lẽ:

Mỗi chúng ta đứng trên trái tim trái đất
Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
Và chưa chi chiều đã tắt
(Giải Nô Ben- Tôi không nhớ tác giả, vì đọc bài này đã mấy chục năm trong tập “Mài sắt nên kim” của Xuân Diệu).

Với nữa, bài Con người và chiếc bóng của anh, khiến tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của Đức Phật: Không ai ra khỏi chiếc bóng của mình.
Chiếc bóng là ảo hay thực, thiêt nghĩ không nên tranh luận ở đây; nhưng có lẽ tôi muốn nói thêm, chiếc bóng của chúng ta là trường cửu cùng ánh sáng trong không gian vô tận nhiệm mầu. Hãy làm sao cho chiếc bóng đó không phải là ám ảnh xấu, ám ảnh tội lỗi. Chỉ tắt nắng mặt trời thì chiếc bóng của ta mới biến mất; nhưng không vì thế mà nó không tồn tại!

Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta đi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!

Bài Thú hoang tôi được nghe anh đọc lần đầu qua điện thoại, lúc tôi đang ở Trại Sáng tác bên bờ biển tím Kiên Lương. Bấy giờ tôi có nói là tôi thích bài thơ này, và anh đã nhắn nó cho tôi qua di động. Sau đó tôi với Ngô Hồng Nga đã hợp sức biến nó thành truyện ngắn Con chó hoang trên bờ biển- đã đăng trên tạp chí Chiêu Anh Các.Chó nhận ra người, chứ con người đốn mạt thì không nhận ra chó.Anh từng biết suýt nữa thì họ nện tôi một đòn chí mạng (họ đã gấm ghé tung tin, nhưng lập tức bị dư luận dập tắt; một phần cũng bởi họ đã nếm đòn khi phang Ngôi mộ không hài cốt của anh), khi tôi cho công bố vào dịp Tết truyện ngắn “Con chó đói chạy trong thị xã”- 1 trong chùm 5 truyện chó của tôi được ấn hành vào lúc đó. Trên chuyên mục “truyện hồ tĩnh tâm” của blogs này, anh có thể thấy tôi yêu chó đến ngần nào, qua truyện “Trở về với dòng sông”.Chó còn biết tìm về nguồn cội, huống nữa là người.

Bài Trái tim đảo ngược có tứ hay, nhưng có lẽ anh nên thay mấy chữ trong câu “cứ bập bùng cháy bỏng yêu thương”. Tình yêu phải bùng cháy rừng rực, chứ đừng để cho nó chỉ bập bùng.

Bài Hoa trên Núi Cấm có lẽ anh viết trong đợt đi thực tế sáng tác miệt núi Cấm với tôi thì phải. Đợt đó tôi viết được 2 truyện: Núi giữa đồng bằngVi vút rừng xuân. Cả hai truyện này đều đã đăng trên Tuần báo Văn nghệ Việt Nam và đăng lại trên Văn hóa Văn nghệ công an, sau đó in trong tập truyện được giải Nhì Ủy ban toàn quốc: Núi giữa đồng bằng của tôi.Tôi thích bài thơ này vì cái tứ: “Thánh còn phải tắm nữa là ta?”

Rất mong anh thỉnh thoảng ghé thăm cộng đồng vnweblogs của chúng tôi!
HTT
đọc thêm Thơ Hồ Tĩnh Tâm

Không có nhận xét nào: