Hồ Tĩnh Tâm
Con người và chiếc bóng
thơ Văn Quốc Thanh
Có những đêm thiếu ánh đèn dầu
Căn phòng chật và bóng đêm dày đặc
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban mai
Mặt trời mọc chiếc đầu tôi đổ xuống.
.
Có những đêm dưới ánh đèn dầu
Vùng ánh sáng lẻ loi lạnh ngắt
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi ban trưa
Mặt trời ở đỉnh cao vời vợi
Chiếc đầu tôi lại ở dưới chân mình.
.
Có những đêm thức với đèn dầu
Cơn gió trêu người. Ngọn đèn khuya lắt lẻo
Tôi chợt nhớ một ngày vào buổi hoàng hôn
Mặt trời rơi vào bóng đêm u tịch.
.
Ôi! Thời gian và chiếc bóng con người
Ôi! Mặt trời mãi xoay vần muôn thuở
Thơ và người có là duyên nợ
Ta mãi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!
Rực rỡ phương Đông, bóng đổ trời Tây
Mặt trời càng cao bóng người càng nhỏ bé.
.
Hôm nay tôi nằm nhà với cơn đau vẫn còn ê ẩm trên ngực, cảm thấy trống trải nên tìm đọc bạn bè cho khuây khỏa, bất ngờ chạm phải “Con người và chiếc bóng” của Văn Quốc Thanh. Vậy là đọc. Đọc xong rồi thì nhìn lướt qua toàn bộ trang blog của anh.Đẹp và nghiêm túc. Cảm nhận ấy khiến tôi phải đọc lại lần nữa bài thơ trên. Bất chợt nhận ra mình quá nhỏ bé. Đúng như Văn Quốc Thanh đã viết: “Mặt trời càng cao bóng người càng nhỏ bé”.Bài thơ không dài lắm, cứ nhắc đi nhắc lại hình ảnh một ngọn đèn dầu hiu hắt. Nó hiu hắt đến mức, nhiều khi không hề có mà ta vẫn cảm thấy nó hiu hắt rưng rưng ở đâu đó, như trong khổ thơ đầu tiên Văn Quốc Thanh đã đề cập. Và cũng bởi ngọn đèn dầu quá hiu hắt, mà suốt ba khổ thơ đầu, bóng đêm như trùm xuống đời ta một nỗi niềm u ẩn.
Từ trong bóng tối bao phủ ấy, Văn Quốc Thanh nhìn thấy ban mai, ban trưa và hoàng hôn, vạch vào không gian quỹ đạo của mặt trời một đường cong tiền định của kiếp người quá đổi vô vi. Đó là chiếc bóng của mình. Chiếc bóng nhỏ nhoi và cô độc, luôn là đà trên mặt đất, luôn quanh quẩn dưới chân người, như là định mệnh của phận kiếp không thể dứt ra được.Mặt trời cứ đi, cứ đi, cứ đi trong dòng thời gian vô tận. Còn chiếc bóng vẫn cứ quanh quẩn vướng vấp dưới chân người, không buông khỏi con người.
Cùng với chiếc bóng của mình, Văn Quốc Thanh nhìn thấy gió, nghe thấy gió, biết là gió trêu người u ẩn với ngọn đèn hiu hắt. “Mặt trời rơi vào bóng đêm u tịch”. Im lặng sóng sượt một vũng tối, nhưng chiếc bóng nhất định vẫn còn, bởi nói như nhà Phật: không ai ra khỏi chiếc bóng của mình.
Tôi dừng lại ở khổ thơ thứ ba của Văn Quốc Thanh. Dừng lại để được chậm hơn trong ngẫm nghĩ về mình.
Đêm hôm qua tôi đã phạm một lỗi lầm vì nông nổi. Trong cơn đau thắt ở vùng ngực, tôi không ngủ được, tôi ngồi đọc lại “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn. Những cơn ho dội lên, khiến cơn đau thắt vùng ngực phải càng xúi tôi bực mình. Gập cuốn sách lại ở chương “Đàn tế thần”, tôi ngẫm nghĩ về nỗi đau của Triệu Giáp và Tôn Bính, càng thấy đau cho mình. Mi Nương! Mi Nương ơi! Sao mà đau quá vầy nè! Ổ cứng di động 80 Gb của tôi chứa tới gần 60 Gb đã không còn một tập tin nào. Trống lổng đến căm hận mấy cái mail đã bắn virus vào tôi.
Vậy là tôi phạm sai lầm trong nóng giận. Tôi đã bắn đi một cái mail mà lẽ ra tôi không nên làm như thế.
Sáng nay đọc tiếp chương “Kiệt tác”, mới được mấy trang thì nhức đầu, gập sách lại. Không thể vào Gmail được. Trong Yahoo tôi bị người ta kết tội bởi cái mail si rồ ấy. Cái bóng của tôi ơi! Sao mà khổ vầy nè trời! Từ mở Gmail, bạn bè tôi vẫn thư từ với tôi ở đó. Chẳng biết hôm nay có ai gởi bài cho tôi không? Sao mà khổ vầy nè trời!Khổ thơ cuối của Văn Quốc Thanh nhói lên buốt nhức:
Thơ và người có là duyên nợ
Ta mãi tìm sao câu chữ vẫn lặng thinh!
Bạn của tôi ơi, tôi không thể viết được nữa! Tôi phải đi tìm chiếc bóng của mình, trong vũng tối của nỗi buồn ám ảnh một thời qua.
Tiết xuân đang đến ư?
Nhưng chiếc bóng của tôi lạc ở đâu rồi!..
HTT